Trong lúc gian nguy, dịch giã, hình ảnh đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” càng thêm tỏa sáng và hình ảnh thân thương, gần gũi của người lính trẻ đi chợ hộ dân đã gây nhiều xúc động cho người dân thành phố. Gần đây, cộng đồng mạng đang lan truyền mạnh mẽ bài thơ “Con đi chợ hộ” khiến nhiều người rơi nước mắt.
Lính tân binh mới vừa ở quê lên,
Lương lại ít con không quen ra phố.
Mà Sài Gòn ngóc ngách bao nhiêu ngõ,
Nhà sẹc năm, sẹc ba khó quá thôi.
Phố vắng tanh, chẳng thấy một bóng người,
Chẳng thể hỏi đường ai cho được nữa.
Nên cứ phải bấm chuông và gõ cửa,
Tìm kiếm hoài, đứng giữa xóm ngẩn ngơ.
Mới lớn lên, nào đi chợ bao giờ,
Lúng túng mãi từ mớ hành củ tỏi,
Rồi gia vị biết bao nhiêu là gói,
Tên Bắc, Nam nhầm lẫn rối cả lên.
Bởi cũng là lần đi chợ đầu tiên,
Thịt ngon - dở, chẳng hay mà phân biệt,
Cá ươn - tươi, con cũng nào hay biết,
Mọi người thương nhận hết chẳng hề chê.
Con chỉ là thằng lính mới xa quê,
Đi chợ hộ khi dịch về tàn phá,
Má mà thấy chắc giật mình chuyện lạ:
“Thằng út giờ giỏi quá!”, nước mắt rơi.
Chúng tôi có dịp theo chân cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 302 đi chợ giúp dân trên địa bàn phường 13, quận 4. Trong đợt dịch này, Sư đoàn đã tăng cường lực lượng cho TP.HCM gần 1.300 đồng chí, làm nhiệm vụ trên địa bàn 6 quận, huyện là các quận 4, 5, 6, 7, 10 và huyện Nhà Bè.
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phục vụ trong các khu cách ly, trực tại các chốt kiểm soát, tuần tra bảo vệ, tuyên truyền, tổ chức mang lương thực thực phẩm, các túi quà an sinh đến cho Nhân dân, Sư đoàn còn trao tặng hàng ngàn phần quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu và các sản phẩm tăng gia sản xuất của đơn vị cho bà con Nhân dân.
Dưới đây là một số hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn mang các đơn hàng “đi chợ hộ” đến cho bà con phường 13, quận 4, TPHCM.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn phân chia từng loại rau, củ, quả theo các đơn hàng “đi chợ hộ” cho bà con
Các túi hàng được sắp xếp lên xe để mang đến cho bà con
Các đơn hàng được mang tận đến từng hộ dân
Sài Gòn thật nhiều ngõ ngách
Giao các đơn hàng cho các hộ dân sống trong con hẻm nhỏ
Trao tận tay bà con đơn hàng “đi chợ hộ”