Thiếu tướng Lương Văn Nho
Đầu năm 1946, trước sự tiến công ồ ạt của thực dân Pháp, mọi liên lạc của Long Thành với tỉnh Biên Hòa bị cắt đứt. Lãnh đạo Long Thành họp bàn và quyết định tạm chia huyện thành 4 khu chiến đấu, đồng chí Lương Văn Nho được giao nhiệm vụ chỉ huy Khu 4, gồm các xã dọc đường 15 (nay là quốc lộ 51) và các sở cao su trên địa bàn. Sau đó, các đơn vị vũ trang tập trung của huyện được sáp nhập với lực lượng vũ trang chung của tỉnh, thành lập Chi đội 10 Biên Hòa. Vừa mới thành lập, Chi đội đã tổ chức những trận đánh gây tiếng vang lớn như: Trảng Táo, Bảo Chánh, Bàu Cá, La Ngà... Chiến trận giữa ta và địch ngày càng diễn biến quyết liệt, đồng chí Lương Văn Nho vừa đảm nhiệm công tác chỉ đạo kháng chiến và lực lượng vũ trang ở địa phương (Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính huyện Long Thành, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội dân quân Biên Hòa, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội dân quân Bà Rịa), vừa trực tiếp chỉ huy đơn vị vũ trang tập trung của tỉnh (Đại đội trưởng Đại đội C, Chi đội 10; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quang Trung, Trung đoàn 310; Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng Trung đoàn 397...).
Giữa năm 1951, chiến trường Nam Bộ có sự thay đổi lớn về tổ chức chiến trường và lực lượng, các trung đoàn chủ lực giải thể, các địa phương liền kề được sáp nhập lại về đơn vị hành chính, đồng chí Lương Văn Nho giữ trách nhiệm Tỉnh đội phó - Tham mưu trưởng Tỉnh đội Bà Chợ. Đồng chí đã góp phần chỉ đạo Tiểu đoàn 300 và dân quân tự vệ, giữ vững phong trào du kích chiến tranh, thực hiện công tác địch ngụy vận; tổ chức nhiều trận đánh, giành thắng lợi như: Trận tập kích tiêu diệt Chi khu Cần Giờ, đốt cháy kho xăng Nhà Bè, đánh chìm tàu Saint Loubert Bié và nhiều phương tiện giao thông của địch trên quốc lộ 15, trên sông Lòng Tàu - Rừng Sác...
Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7-1954), đồng chí tham gia Ủy ban Liên hiệp đình chiến khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc. Sau khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí đã nhanh chóng bắt tay vào tổ chức học tập chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; sắp xếp, bố trí lực lượng ở lại và lực lượng tập kết ra miền Bắc. Sau khi tập kết ra miền Bắc, đồng chí Lương Văn Nho đảm nhiệm các cương vị: Trung đoàn phó Trung đoàn 1 Phân Liên khu miền Đông; Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng Trung đoàn 4 Nam Bộ; rồi Chủ nhiệm Pháo binh Sư đoàn 338, Chủ nhiệm Pháo binh Sư đoàn 330, Chủ nhiệm Pháo binh Quân khu 3 (Quân khu Hữu Ngạn).
Đầu năm 1964, sau khi tốt nghiệp khóa pháo binh đầu tiên tại Học viện Trung - Cao cấp, đồng chí Lương Văn Nho trở về chiến trường Nam Bộ, được Bộ Chỉ huy Miền phân công làm Phó Chủ nhiệm Pháo binh Miền, phụ trách công tác xây dựng và huấn luyện chiến đấu. Để mở màn đợt hoạt động mùa khô 1964-1965, Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho lực lượng pháo binh Miền tổ chức đánh sân bay Biên Hòa (căn cứ quân sự hiện đại nhất Đông Nam Á thời bấy giờ). Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Lương Văn Nho cùng Ban Chỉ huy tổ chức trận tập kích vào sân bay Biên Hòa đêm 31-10-1964. Chiến thắng lừng lẫy đó đã làm nức lòng nhân dân cả nước, góp phần làm thay đổi cục diện trên chiến trường (sau thắng lợi đó, đồng chí có biệt danh “vua pháo kích”).
Từ năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trực tiếp đưa quân chiến đấu Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Cùng với việc chỉ đạo xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và tìm cách đánh thắng Mỹ, Bộ Chỉ huy Miền khẩn trương xây dựng các đơn vị chủ lực mạnh. Tháng 9-1965, Sư đoàn bộ binh 5 được thành lập, đồng chí Lương Văn Nho về làm Tư lệnh phó - Tham mưu trưởng Sư đoàn bộ binh 5.
Cũng thời gian này, xác định sông Lòng Tàu là yết hầu của “Thủ đô chính quyền Sài Gòn”, đế quốc Mỹ tập trung xây dựng hàng loạt quân cảng: Nhà Bè, Cát Lái, Rạch Dừa... thành một hệ thống hậu cần hiện đại có khả năng chi viện cho trên 1,5 triệu quân thuộc các nước khác nhau. Để bảo vệ địa bàn chứa hàng dự trữ chiến tranh, Mỹ - ngụy tăng cường sức mạnh cho “Biệt khu rừng Sác”. Trước cuộc chiến đấu giành quyền kiểm soát vùng yết hầu chiến lược ngày càng trở nên khốc liệt.
Ngày 1-4-1966, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác (mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10), đồng chí Lương Văn Nho làm Tư lệnh Đặc khu Rừng Sác, Đoàn trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đoàn 10. Ban Chỉ huy Đặc khu quân sự kiêm luôn cả công tác chính quyền với 20 xã trong vùng rừng Sác để xây dựng thành khu căn cứ bàn đạp vững chắc; bảo đảm cho lực lượng vũ trang của ta luôn trong thế tiến công, làm tiêu hao sinh lực địch và phương tiện chiến tranh khi chúng di chuyển trên sông Lòng Tàu. Bởi vậy, các trận đánh tàu, tập kích kho xăng Nhà Bè và hệ thống kho tàng dự trữ phương tiện chiến tranh của quân Mỹ dọc các quân cảng... đã được lưu ghi những trang sử hào hùng, trong đó có tên tuổi đồng chí Lương Văn Nho cùng Trung đoàn đặc công cảm tử Rừng Sác.
Sang năm 1968, Quân khu 7 được thành lập lại, đồng chí Lương Văn Nho được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu 7. Đến đầu năm 1970, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, đồng chí được điều về Tây Ninh, đảm nhiệm chức vụ Tham mưu phó Miền, trực tiếp chỉ huy Đoàn 370 (Tỉnh đội Tây - Phước - Bình), kiêm Chỉ huy trưởng Khu C.20, Khu C.50. Đồng chí cùng Ban Chỉ huy Khu đã đề ra và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động góp phần xây dựng căn cứ địa cách mạng phía Bắc Tây Ninh; bảo vệ các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam và tạo bàn đạp cho quân chủ lực Miền chuẩn bị tổ chức tập kích chiến lược trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.
Ông Lương Văn Nho lên kế hoạch đánh sân bay Biên Hòa năm 1964.
Sau ngày miền Nam giải phóng (1975), Bộ Tư lệnh Miền giải thể, đồng chí Lương Văn Nho được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu 7 kiêm Trưởng ban Tổng kết chiến tranh B2 (một tổ chức do Bộ Tổng Tham mưu thành lập trên cơ sở phát triển Phòng Nghiên cứu - tổng kết trực thuộc Bộ Tham mưu Miền), có nhiệm vụ tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đây, đồng chí bước vào một mặt trận mới: Chỉ đạo Ngành Lịch sử quân sự ở B2 và Quân khu 7. Cùng với Ban Tổng kết chiến tranh B2, đồng chí đề ra kế hoạch lập thêm các phòng tổng kết từng quân khu thuộc chiến trường B2 cũ. Riêng với Quân khu 7, đồng chí trực tiếp chỉ đạo, xác định nội dung nhiệm vụ, tập hợp hệ thống tư liệu... Cho đến khi tách khỏi đội hình Ban Tổng kết chiến tranh B2 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (22-5-1980), Phòng Nghiên cứu - tổng kết Quân khu 7 đã có một đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm và nhiều công trình tổng kết trận đánh, chiến dịch đã xuất bản. Dưới sự chỉ huy, lãnh đạo của đồng chí Lương Văn Nho, Phòng Nghiên cứu - tổng kết Quân khu 7 ngày càng phát triển. Năm 1980, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng.
Năm 1981, sức khỏe của đồng chí giảm sút nhiều. Dường như tiên liệu được những gì sắp đến với mình, đồng chí như chạy đua với thời gian, làm việc say sưa trong điều kiện phải chiến đấu quyết liệt với bệnh tật và các vết thương - di chứng của một thời chiến tranh. Với đồng chí, không có ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Cả khi bất đắc dĩ phải nằm điều trị trong bệnh viện, đồng chí cũng gọi Thư ký vào đọc tài liệu, báo cáo tiến độ thực hiện từng đề tài... Thiếu tướng Lương Văn Nho đã ra đi để lại niềm thương tiếc cho đồng chí, đồng đội và gia đình, 3 người con của đồng chí đều đã mất trong chiến tranh.
Hơn 40 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lương Văn Nho luôn thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có ý chí kiên cường, dũng cảm và thiết tha yêu quê hương, đất nước. Là một chỉ huy, đồng chí luôn quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng, đường lối quân sự của Đảng; có tác phong sâu sát, cụ thể, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Quân đội giao cho. Đồng chí còn là cán bộ chỉ đạo khoa học có năng lực, sâu sát thực tiễn, tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu khoa học quân sự và là một trong những Thủ trưởng có uy tín, góp phần xây dựng Ban Tổng kết chiến tranh B2 ổn định, phát triển. Ngành Lịch sử quân sự Quân khu 7 ngày càng phát triển, cùng với sự ra đời của nhiều công trình khoa học có giá trị. Chúng ta có thể quên đi nhiều thứ, nhưng không thể quên được nền móng, quên người xếp những viên gạch khởi nguyên làm nên nó.
Thiếu tướng Lương Văn Nho là “một nhà làm sử Quân đội cần mẫn, tận tụy, có lối nhìn và phương pháp khoa học mácxít” (như nhận xét của Giáo sư sử học Trần Văn Giàu), một người đã đem trọn vẹn cuộc đời mình phụng sự cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, chiến đấu giải phóng dân tộc, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc và tận lực sưu tầm, ghi chép lại sự nghiệp ấy. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, xứng đáng để mọi người học tập và noi theo. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với sự nghiệp cách mạng và nhiều công trình nghiên cứu lịch sử của miền Đông Nam Bộ. Với nhiều hoạt động, cống hiến cho cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại… Để ghi nhớ những công lao, đóng góp của đồng chí, tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Lương Văn Nho.