Thành phố trong những ngày giãn cách. Ảnh Khương Duy
Dịch bệnh mang đến nỗi sợ hãi, hốt hoảng khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong ngày càng gia tăng, nhiều gia đình phải đối mặt với những mất mát, đau thương khi nhìn từng người thân yêu của mình qua đời. Tuy nhiên trong tận cùng của nghịch cảnh cũng là lúc chúng ta biết trân quý hơn khoảnh khắc ở bên gia đình, điều mà đó giờ mọi người vẫn coi là chuyện hiển nhiên và có chút vô tâm với những người thương.
Sau nhiều tuần giãn cách, Sài Gòn có những thay đổi đến chóng mặt, không còn những tiếng ồn, khói đen mù mịt đặc trưng hàng thập kỷ, thay vào đó, chúng ta bất chợt nghe những thanh âm từ tiếng chim ca, những khoảng trời xanh trong. Những biến đổi này khiến những ai đang sống và làm việc tại TPHCM có chút bỡ ngỡ và trầm tư.
Sài Gòn trầm tư trong mùa dịch. Ảnh : Khương Duy
Sài Gòn hiện tại là tổng hòa của những yêu thương. Hình ảnh hàng chục nghìn người đăng ký làm tình nguyện viên giúp đỡ công tác chống dịch, hàng trăm văn nghệ sĩ cùng nhau hát vang, cháy hết mình dưới sân các bệnh viện dã chiến như xoa dịu những chất chứa trong lòng của một số người. Với các nghệ sĩ đây là lần trình diễn đặc biệt và đáng nhớ nhất bởi từng lời ca, tiếng hát của họ vang lên như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các bệnh nhân. Theo các chuyên gia y tế thì tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực là một trong những chìa khóa giúp các bệnh nhân mắc COVID-19 mau chóng phục hồi.
Sài Gòn không còn khép mình như mọi khi vì những bận rộn và lo toan, trong những khu chung cư cao tầng mỗi nhà đều mở cửa sổ để những ai phải sống lẻ loi nghe được âm thanh của những gia đình xung quanh.
Nếu như những y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch luôn cố gắng chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân thì phần lớn người dân đang ở khu phong tỏa, tuân thủ lệnh giãn cách thì họ lại cảm thấy thời gian như trôi chậm lại. Chậm để hiểu hết những giá trị cuộc sống, chậm để biết yêu thương gia đình, chậm để suy nghĩ những điều bấy lâu chưa làm được và chậm để nhìn những người hàng xóm của mình bằng ánh mắt mới.
Rất nhiều anh chị hàng xóm, những người bạn, cô chú lớn tuổi xung quanh chúng ta thường ngày rất ít nói, ngại giao tiếp nhưng khi dịch ập đến họ bất chấp tất cả, không ngại nguy hiểm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà được trao tặng từ cân gạo, cân rau củ… lại ấm lòng đến lạ thường trong thời điểm hiện tại. Với nhiều người bữa cơm đủ đầy là chuyện bình thường nhưng với người lao động chân tay kiếm sống qua ngày thì đó lại là cả một vấn đề.
Lần lượt những dự án “Bánh mì Sài Gòn 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng” cho đến bếp ăn miễn phí do các nhóm thiện nguyện Bắc Trung Nam thực hiện khiến mọi người như sít lại gần nhau hơn. Thậm chí, nhiều bác sĩ đang gặp muôn vàn áp lực vì công việc vẫn gửi số điện thoại của mình để người dân gọi điện trong tình huống nguy cấp, cần sự giúp đỡ về chuyên môn. Trong khi các nhà thờ, chùa chiền sửa soạn chỗ cư ngụ cho những người vô gia cư đang kiệt sức vì dịch bệnh.
Có lẽ khắp nơi mọi người đang dần bừng tỉnh và thích nghi với thực tại mới sau thời gian dài chống dịch. Thay vì chìm đắm trong sợ hãi, cô đơn thì trong các vùng phong tỏa, người dân đã lập nên các nhóm chat, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe bản thân và động viên nhau suy nghĩ tích cực.
Quả thật, thời khắc sống chậm này càng cho thấy giá trị của sự đồng tâm và bản thân chúng ta mới ngộ ra, biết đâu là điều quan trọng nhất với mình để rồi từ đó biết yêu thương và trân trọng hơn. Có cách ly đấy nhưng không cần phải khép mình, có nhiễm bệnh đấy nhưng không cần phải chìm đắm trong mớ suy nghĩ tiêu cực, mang một tâm hồn bệnh tật. Và thậm chí dù có tử vong nhưng chắc chắn lúc nào tình yêu cũng được tái sinh.
Đừng để bản thân bị giam cầm trong những suy nghĩ hỗn độn, hãy thức tỉnh và coi những khó khăn trong đợt dịch này là cơ hội để lựa chọn xem giờ đây bạn sẽ sống thế nào. Và dù quyết định của chúng ta là gì thì hãy luôn nhớ rằng, sự bao dung, tình yêu thương luôn trường tồn và tỏa sáng.
Quả thật, những lúc sống chậm này, ta càng yêu, càng quí và càng trân trọng hơn những gì ta đang có!