Tối 17-5, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận 116 ca mắc Covid-19 trong khu vực cách ly và khu vực được phong tỏa và một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa. Trong đó, Bắc Giang 61 ca, Bắc Ninh 38 ca, Đà Nẵng 7 ca, Hà Nội 5 ca, Phú Thọ 2 ca, Hưng Yên 2 ca, Vĩnh Phúc 1 ca.
Bệnh nhân 4258, nữ, 23 tuổi, địa chỉ tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ngày 14-5, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 16-5 dương tính với virus SAR-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Phòng khám Ninh Sim, tỉnh Khánh Hòa.
Bệnh nhân 4243-4249, 4264, 4266-4280, 4282-4287, 4289-4294, 4296-4298 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh là F1 của BN3758, BN3998, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16, 17-5 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Khung cảnh lấy mẫu dịch tễ tại KCN Quang Châu vào đêm 16-5. Ảnh: NVCC.
Bệnh nhân 4250-4256 ghi nhận tại TP Đà Nẵng là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16-5 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.
Bệnh nhân 4257, nam, 21 tuổi, địa chỉ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là F1 của BN3116, đã được cách ly trước đó.
Bệnh nhân 4259 ghi nhận tại tỉnh Phú Thọ: Bệnh nhân nam, 5 tuổi, địa chỉ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là F1 của BN3116, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 17-5 các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ.
Bệnh nhân 4260, 4263, 4265, 4281, 4288 ghi nhận tại TP Hà Nội là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16-5 các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân 4261, nam, 25 tuổi, địa chỉ tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; là F1 của BN3120, đã được cách ly trước đó.
Bệnh nhân 4262, nữ, 38 tuổi, địa chỉ tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; là F1 của BN3168, đã được cách ly trước đó.
Kết quả xét nghiệm ngày 16, 17-5 các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Bệnh nhân 4295, nam, 54 tuổi, địa chỉ tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đã được cách ly trước đó. Ngày 29-4 trường hợp này đi trên chuyến bay VN160 có chuyên gia Trung Quốc dương tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm ngày 17-5 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc.
Bệnh nhân 4299-4359 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang; là F1 liên quan các Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, đang tiếp tục điều tra, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16-5 các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Như vậy tính đến tối 17-5, Việt Nam có tổng cộng 2.890 ca ghi nhận trong nước và 1.469 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 1.320 ca. Số lượng mẫu xét nghiệm từ 29-4 đến nay là 482.900 mẫu. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 108.288 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.611 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 31.708 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 74.969.
Đoàn công tác Học viện Quân y hỗ trợ Bắc Giang chống dịch
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 17-5, đoàn công tác của Học viện Quân y gồm 130 y, bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên đã hành quân đến tỉnh Bắc Giang hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Các phòng xét nghiệm di động của Học viện Quân y tập kết tại Trung đoàn 831, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang). Ảnh: Báo Bắc Giang.
Sau khi làm lễ xuất quân, đoàn công tác được chia ra thành 20 tổ phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang di chuyển về các khu vực tâm dịch nhanh chóng hỗ trợ các địa phương làm xét nghiệm.
Được biết, đoàn công tác trang bị 4 container là các phòng xét nghiệm di động tập kết tại Trung đoàn 831 (Bộ CQHS tỉnh Bắc Giang). Với trang bị được cung cấp, mỗi ngày các y, bác sĩ có thể thực hiện được 1.800 mẫu xét nghiệm.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã điều động lực lượng cùng với xe xét nghiệm lưu động hiện đại, khẩn trương cơ động về tỉnh Bắc Giang tăng cường xét nghiệm Covid-19 cho người dân.
Ngay khi đến nơi, tổ công tác đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan chức năng của tỉnh, đồng thời triển khai trang thiết bị và tiếp nhận 3.000 mẫu làm xét nghiệm. Tổ công tác quyết tâm tiến hành xét nghiệm xuyên đêm để có kết quả sớm nhất, góp phần giúp địa phương nhanh chóng dập dịch.
Biến chủng Ấn Độ khiến tốc độ lây nhiễm Covid-19 ở Bắc Ninh rất nhanh
Tính đến sáng 17-5, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận 252 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch này. Theo kết quả giải trình tự gene một số mẫu bệnh phẩm, các ca mắc tại tỉnh Bắc Ninh đều nhiễm biến chủng kép B.1.617.2 của Ấn Độ.
GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy một số mẫu bệnh phẩm bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Ninh để tiến hành giải trình tự gene. Kết quả cho thấy, toàn bộ mẫu bệnh phẩm tại Bắc Ninh đều mang biến chủng kép B.1.617.2 lần đầu được tìm thấy ở Ấn Độ.
Như vậy, chủng virus lưu hành tại tỉnh Bắc Ninh cũng tương tự với loại chủng virus lưu hành tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Điều này cũng phần nào lý giải tốc độ lây nhiễm tại Bắc Ninh rất cao trong thời gian qua, nhiều người không có triệu chứng bệnh.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kiểm soát được ổ dịch, không phát sinh ca nhiễm mới
Ngày 17-5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, sự hỗ trợ của TP Hà Nội và nỗ lực của cán bộ, nhân viên, đến nay, cơ bản bệnh viện đã kiểm soát được hoàn toàn vùng dịch, không phát sinh ca mới.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 vừa thực hiện cách ly y tế, vừa tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Thời gian qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 15 ca vào viện trong đó gồm bệnh nhân mắc Covid-19 của thành phố Hà Nội, bệnh nhân của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt những bệnh nhân nặng và nguy kịch từ Bắc Giang, Bắc Ninh chuyển lên trong những ngày gần đây. Tính đến 7 giờ ngày 17-5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 344 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 52 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Cụ thể, bệnh nhân thở oxy gọng là 32 bệnh nhân; thở oxy dòng cao 5; thở máy 15 (1 ca ECMO, lọc máu liên tục 4).
Hội chẩn các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng
Trưa 17-5, các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực trong Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn đã bàn phương án điều trị cho 4 bệnh nhân Covid-19 nặng.
Trường hợp nặng thứ nhất là bệnh nhân 3513 là nam, 58 tuổi, ở xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh vào viện trưa 16-5, chưa có bệnh lý đặc biệt.
Bệnh nhân phát hiện mắc Covid-19 ngày 11-5, vào viện sốt cao, khó thở, thở gắng sức, chẩn đoán viêm phổi nặng suy hô hấp trên nền Covid-19, thở oxy.
Quang cảnh buổi hội chẩn tại điểm cầu Hà Nội.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân 3760, 67 tuổi, ở xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành. Từ ngày 11 đến 13-5 điều trị ở Trung tâm Y tế Thuận Thành. Ngày 14-5 chuyển viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh với triệu chứng sốt, ho, nhưng đã diễn biến nặng rất nhanh, bị viêm phổi nặng, suy hô hấp trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, suy thượng thận.
Hiện bệnh nhân đang được chỉ định thở HFNC (oxy dòng cao), SpO2 tăng lên 92% sau khi xuống thấp ngày hôm qua. Bệnh nhân vẫn khó thở, thở gắng sức, mệt nhiều..
Trường hợp thứ 3 được hội chẩn là bệnh nhân 2983 nữ, 65 tuổi, Tân Phú, An Giang từ Campuchia về, được xét nghiệm xét nghiệm Realtime-PCR và cho kết quả dương tính với virus SAR-CoV-2 ngày 3-5. Bệnh nhân có tiền sử tiểu đường và tăng huyết áp nhiều năm.
Ngày 13-5, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Khu vực An Giang lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và đang được chạy ECMO; điều trị an thần, giảm đau, giãn cơ, dinh dưỡng qua sonde và phòng ngừa loét dạ dày tá tràng, loét tì đè... Các chuyên gia đánh giá, đây là bệnh nhân rất nặng nên tiếp tục theo dõi sát các chỉ số.
Bệnh nhân thứ 4 là một bệnh nhân người nước ngoài, sinh năm 1954. Ngày 13-5 bệnh nhân sốt cao, khó thở. Ngày 16-5 bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng khó thở và được đưa vào bờ lấy mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng theo dõi và điều trị tiếp. Ngày 17-5 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tạm, khó thở, thường xuyên có co kéo nhẹ cơ hô hấp.
Tại buổi hội chẩn, PGS, TS Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện đầu ngành về Hồi sức tích cực rà soát ngay năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến dưới trong hệ thống chỉ đạo tuyến của mình đã được Bộ Y tế phân công. Đồng thời, các bệnh viện phải có kế hoạch tập huấn chuyển giao kỹ thuật cao như lọc máu, ECMO để các cơ sở tự thực hiện phương châm "4 tại chỗ".
Trong hơn 1.400 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại hơn 60 cơ sở y tế trên cả nước, có 71,6% bệnh nhân không có triệu chứng, 49 ca tiên lượng nặng, có 4 ca nặng thở máy không xâm nhập, 32 ca nặng phải thở oxy, 16 ca nguy kịch với 2 ca phải chạy ECMO. Đặc biệt, có một ca tiên lượng tử vong ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Nữ điều dưỡng sốc phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19 xuất viện
Chiều 17-5, bác sĩ CKII Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sau một tuần điều trị, sức khỏe nữ điều dưỡng bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine Covid-19 đã ổn định và được xuất viện sáng cùng ngày.
Trước đó, bệnh nhân không có tiền sử dị ứng gì, không có các bệnh lý nền. Khoảng ba phút sau khi tiêm vaccine Covid-19, nữ điều dưỡng bị sốc phản vệ, khó thở, suy hô hấp, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức, ê kíp trực hồi sức tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Các bác sĩ tiến hành tiêm Adrenaline, đặt nội khí quản, thở máy, cấp cứu ngừng tuần hoàn. Trong vòng 24-48 giờ đồng hồ, bệnh nhân sốc nặng, suy hô hấp cấp, bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục. Sau 72 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định dần, các chức năng cơ quan trong giới hạn bình thường, được cai thở máy và tiếp tục theo dõi. Sau một tuần, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Vương Thúy (Tổng hợp)
Nguồn: qdnd.vn