Tăng cường quản lý, làm chủ và vươn ra biển
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, Chuẩn đô đốc Nguyễn Phong Cảnh, Chính ủy Vùng 2 Hải quân nhấn mạnh: “Biển nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc, Thiếu tá Trần Trung Dũng, Chính trị viên Tàu 379 (Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân) nhìn nhận, sự chung sức, đồng lòng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc chính là luôn cảnh giác, không để bất ngờ, không bị động, không sợ hãi và không được lùi bước trước nhiệm vụ. Vì thế, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng và nhân dân nên cán bộ chiến sĩ trên tàu luôn quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo của các cấp trong thực hiện nhiệm vụ trên biển.
Cũng với phương châm “vươn khơi, bám biển”, Thiếu tá Nguyễn Anh Đức, Phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong quá trình bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc thì một mình LLVT không thể làm hết mà phải dựa vào quần chúng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ. Cũng theo Thiếu tá Đức, địa bàn do Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh phụ trách gồm hai tuyến biên giới biển thuộc huyện Cần Giờ và cửa khẩu cảng thành phố. Nhờ dựa vào quần chúng nhân dân nên những năm qua, Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao như: Tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới, cửa khẩu cảng, bảo vệ lợi ích và tài nguyên quốc gia trên khu vực này, ngăn chặn mọi hành động vi phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, cửa khẩu cảng…Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị, ngành chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, các loại tội phạm qua vùng biển, cửa khẩu…
Nhiều giải pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa
Tham gia trao đổi tại buổi tọa đàm, Đại tá Phạm Thái Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng cho rằng, trong quá trình hoạt động cần duy trì giao ban định kỳ, thường xuyên trao đổi thông tin giữa các bên như Hải quân, Bộ đội Biên Phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng chấp pháp để thống nhất biện pháp, cùng đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng theo Đại tá Sơn, nét nổi bật nhất trong công tác Biên phòng tuyến biển, đảo những năm qua là nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh biên giới quốc gia của các ngành, các cấp được nâng lên rõ rệt. Việc phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Hải quân, Cảnh sát biển, Công an, Kiểm ngư và các địa phương được thực hiện chặt chẽ, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và các hoạt động vi phạm pháp luật trên biển cùng như tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các lực lượng chức năng, các ban ngành Trung ương và địa phương thực hiện nhiều nội dung bảo vệ, làm chủ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; trong đó chú trọng phát huy sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương ven biển, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 30/2010/NĐ-CP và Nghị định 130/2015/NĐ-CP của Chính phủ về huy động nhân lực tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các vùng biển nước ta.
Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng, Thượng tá Trần Quốc Khởi cho rằng, trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc rất cần phối hợp thực hiện các chương trình, dự án hành lang bờ biển. Bởi tính đặc thù về địa hình, hệ thống đê biển của các tỉnh phía Nam có lợi thế trong bố trí thế trận phòng thủ liên hoàn giữa biển với bờ, tạo cơ sở thuận lợi cho việc làm chủ vùng biển. Do vậy, cần phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các chương trình, dự án xây dựng tuyến hành lang bờ biển và khu vực ven biển để tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, bố trí lực lượng vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa kết hợp làm kinh tế, dịch vụ biển, dịch vụ hậu cần biển để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, các giải pháp như quan tâm, phát triển lực lượng dân quân biển như tham luận của tỉnh Bình Thuận với các tổ đoàn kết trên biển, phát huy trách nhiệm của nghiệp đoàn nghề cá hoạt động trên cơ sở tự nguyện; tăng cường phối hợp tuần tra trên biển… được nhiều tham luận và ý kiến các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm nhằm góp thêm nhiều giải pháp và nâng cao chất lượng làm chủ vùng biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.