Một số phối cảnh sơ bộ của Dự án TOD Hàng Xanh.
CII cho biết, ngày 8/2/2025, như Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã thông báo tại phiên họp thứ 6 của Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, lãnh đạo TPHCM đã giao cho CII nghiên cứu và đề xuất ý tưởng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Hàng Xanh (dự án TOD Hàng Xanh). Đây là khu vực sẽ có tuyến metro số 3A và metro số 5 cùng với một số tuyến giao thông công cộng khác.
Theo CII, dự án TOD Hàng Xanh có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 51,4 ha, nằm tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án ước tính khoảng 216.000 tỷ đồng (tương đương hơn 8,5 tỷ USD).
Mục tiêu chính của dự án là chỉnh trang đô thị, nâng cấp hạ tầng, giải quyết ùn tắc giao thông và tăng cường kết nối tại các nút giao thông quan trọng như Hàng Xanh, ngã 5 Đài Liệt Sĩ và cầu Bình Triệu.
CII cho biết sẽ nghiên cứu ứng dụng giao thông xanh, giao thông số để tối ưu hóa việc di chuyển, giảm thiểu tác động môi trường và có thể triển khai phương tiện vận chuyển không người lái để phục vụ giao thông và kết nối với giao thông công cộng.
Dự án sẽ bao gồm các công trình điểm nhấn, chung cư cao tầng, không gian xanh và các công trình công cộng, phát triển các khu vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, dịch vụ...
Dự án cũng chú trọng phát triển không gian đô thị ngầm, tạo lập trung tâm vận chuyển công cộng và kết nối các tuyến metro theo quy hoạch.
TOD là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch, tập trung dân cư tại các đầu mối giao thông để hình thành hệ thống giao thông phân tán.
Mô hình này tối đa hóa việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thúc đẩy phát triển đô thị và cân bằng lợi ích cộng đồng. Các khu vực phát triển theo mô hình TOD thường có ga tàu điện, trạm xe buýt làm trung tâm, bao quanh là các dịch vụ thương mại, công nghiệp, văn phòng, tạo thành một hệ thống hạ tầng hoàn thiện trong bán kính 400-1.000m, thuận tiện cho người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng.
CII kinh doanh chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh hạ tầng đô thị theo phương thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (B.O.T), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Ngoài ra, doanh nghiệp còn kinh doanh bất động sản, thu phí giao thông đường bộ...
CII thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như Mở rộng Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên (Bến Tre), Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (Tiền Giang), Mở rộng Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2 (TPHCM)...
Năm 2024, CII ghi nhận doanh thu từ thu phí giao thông gần 2.560 tỷ đồng, tăng 52% so với năm trước. Mảng kinh doanh này cũng chiếm 80% doanh thu của công ty.
Doanh nghiệp có tổng tài sản cuối năm 2024 gần 37.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, tồn kho hơn 2.311 tỷ đồng, gấp 4 lần đầu năm. Hàng tồn kho tăng mạnh đến từ việc ghi nhận chi phí đầu tư và phát triển của dự án De Lagi - Bình Thuận (gần 1.130 tỷ đồng) và khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (hơn 636 tỷ đồng). Về nợ vay tài chính, cuối năm 2024, CII có 20.340 tỷ đồng nợ vay tài chính, chủ yếu là nợ dài hạn, chiếm 77%. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,2 lần.
Gần đây, cổ đông công ty vừa thông qua việc CII đầu tư/tham gia đấu thầu dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án được đề xuất bởi liên danh CII - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Tasco (mã chứng khoán: HUT). Tuyến cao tốc dài hơn 91km, trong đó đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 39,6km, đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5km. Tổng mức đầu tư 38.694 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không có sự tham gia của vốn ngân sách Nhà nước.
Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 13/2, cổ phiếu CII đã giảm 0,35% xuống còn 14.300 đồng/cổ phiếu.
Anh Mai