(QK7 Online) - 46 năm sau ngày đất nước thống nhất, câu chuyện về Biệt động Sài Gòn vẫn còn những ẩn số. Lần tìm từng kỷ vật về cha mình (Ông Trần Văn Lai) và đồng đội, anh Trần Vũ Bình đã góp nhặt thông tin, nhân chứng, tài liệu về hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn, sau đó sưu tập, phục dựng và “làm sống” lại những trang sử hào hùng của Biệt động Sài Gòn qua tuor du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” được nhiều người yêu thích.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan cơ sở Biệt động Sài Gòn do Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Lai xây dựng
Ông Trần Văn Lai xuất thân trong một gia đình nghèo ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; năm 16 tuổi được giác ngộ cách mạng. Năm 1954, ông làm Tiểu đội trưởng Vận động thành, thuộc Tiểu đoàn Quyết tử 950, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; cán bộ nằm vùng thuộc Quận ủy 2 (Công ty 2) Thành đội Sài Gòn. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông Trần Văn Lai được Đảng giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn hoạt động. Ông tổ chức các nghiệp đoàn đấu tranh hợp pháp và xây dựng cơ sở bí mật trong nội thành Sài Gòn, vận chuyển hàng tấn vũ khí vào nội đô, xây dựng trên 20 cơ sở đặc biệt tin cậy và tự tay thiết kế, xây dựng 7 căn hầm tại các nhà riêng của mình dùng để cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ hoạt động tại nội thành Sài Gòn. Trên danh nghĩa nhà thầu khoán có tiếng, ông được chính quyền Sài Gòn cấp giấy phép tự do ra vào Dinh Độc Lập để sửa chữa, thiết kế những công trình kiến trúc nội thất trong dinh, ông đã nắm được cách bố trí và sơ đồ di chuyển trong Dinh Độc Lập để chuẩn bị cho trận đánh vào nơi này. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cơ sở của Trần Văn Lai bị lộ. Ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa treo thưởng 1 triệu đồng cho những ai bắt được. Phần lớn tài sản bị địch tịch thu, ông được tổ chức thu xếp phải tạm lánh về quê vợ ở Quảng Ngãi. Tại đây, hai lần bị địch bắt giam, nhưng với tên giả là Phạm Sửu, chúng vẫn không biết được hoạt động trước đây của ông ở Sài Gòn.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc làm nên huyền thoại của Biệt động Sài Gòn, năm 2015, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
Chân dung Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Lai
Lớn lên qua câu chuyện của cha mình la chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai và đồng đội, anh Trần Vũ Bình hiểu được giá trị của sự cống hiến và hy sinh của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Chính điều đó đã thôi thúc anh sưu tầm và làm sống lại những kỷ vật của cha mình và lực lượng Biệt động Sài Gòn. Hơn 15 năm tìm kiếm từ những thông tin ít ỏi nhất về cá nhân, tổ nhóm Biệt động Sài Gòn bằng cách “mưa dầm thấm lâu”, anh đã tìm được hàng ngàn hiện vật, hàng chục chiếc xe cổ của cha trao tặng cho các bảo tàng, phục dựng hàng chục di tích của Biệt động Sài Gòn. Đặc biệt hệ thống hầm trú ém cán bộ, chiến sĩ giữa lòng Sài Gòn phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân trong căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia; căn hầm “hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn” tại số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh cũng đã được anh phục dựng, trở thành di tích, được nhiều người tới tham quan, học tập; anh trùng tu nhà và hầm của Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định Trần Hải Phụng và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định tại ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, nơi cha anh thường lái xe ôtô ra báo cáo, giao tài liệu và nhận chỉ thị...
Anh Bình giới thiệu hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn cho khách tham quan
Mở tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”
Từ những địa chỉ tìm được, anh Trần Vũ Bình đã xây dựng tuor du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Sau gần hai năm hoạt động, tour đã đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, học tập. Trong một ngày, du khách sẽ được trải nghiệm các địa điểm: Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, nơi đặt hộp thư bí mật và hầm nổi của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, Quận 1); Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Hầm vũ khí bí mật Biệt động Sài Gòn (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3); Di tích quán Nhan Hương, cơ sở bí mật của Biệt động Sài Gòn (đặt bên trong Thảo Cầm Viên - Quận 1); Bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong trận đánh Dinh Độc Lập Mậu Thân 1968 (108 Nguyễn Du-Quận 1) và cuối cùng là nơi trưng bày hàng trăm kỷ vật của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (Trần Quang Khải, Quận 1).
Các đoàn khách thắp nhang tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại 108 Nguyễn Du-Quận 1