(QK7 Online) - Cùng ê kíp chương trình thực hiện Ký sự Miền Đông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, những ngày đầu tháng 10/2020, chúng tôi có dịp đến thăm các đơn vị thuộc Đoàn KTQP Lâm Đồng đang đóng quân, làm nhiệm vụ tại huyện Đam Rông, một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Băng qua núi đồi trập trùng, ngút ngàn cà phê trĩu quả, đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch với rất nhiều tín hiệu lạc quan; cảm nhận của các thành viên trong đoàn, cuộc sống mới no ấm đã về trên mỗi nếp nhà của đồng bào nơi đây.
Tham quan mô hình nuôi cá cao sản ở Đội sản xuất số 3, Đoàn KTQP Lâm Đồng.
Thực hiện hiệu quả “3 cùng” với đồng bào
Đã hơn 9h sáng, nhưng ở Đội sản xuất số 3, Đoàn Kinh tế quốc phòng Lâm Đồng, đứng chân tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà vẫn đặc quánh sương mù, các thành viên trong Đội ví von “Đây giống như một Sa Pa trên đất Lâm Đồng”. Đội trưởng, Đại úy Phạm Hồng Thái, người có nhiều năm gắn bó, cũng là dân bản địa ở đây nhiệt tình giới thiệu về sự có mặt của rất đông bà con, và mời đoàn cùng tham quan một số mô hình kinh tế hiệu quả của đơn vị.
“Hội thảo đầu bờ”, cách giới thiệu có phần dí dỏm của Đại úy Thái được tổ chức giữa lưng chừng núi. Bà con đồng bào hơn 20 hộ dân chăm chú dõi theo cán bộ kỹ thuật là trí thức trẻ tình nguyện của Đội hướng dẫn tỉ mỉ cách ghép giống bơ sáp 034, xen canh cây cà phê. Đây là giống bơ cho hiệu quả kinh tế rất cao, thông thường năng suất trung bình của một cây Bơ 034 đạt từ 170 đến 200 kg/cây. Quả có chiều dài từ 20 -35 cm cho năng suất thu được từ 40- 50 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, bình quân từ 70 đến 100 ngàn đồng/kg, có thể mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm cho bà con nông dân.
Hướng dẫn bà con gép giống Bơ 034 xen canh cây cà phê.
Hơn 15 năm “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất” với bà con, cán bộ, chiến sĩ, đội viên trí thức trẻ tình nguyện của Đội sản xuất số 3 đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm; hỗ trợ cây, con giống, giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa.
“Đa số bà con ở đây là người đồng bào Tây Nguyên, quá trình thực hiện, chúng tôi luôn cùng ăn, cùng ở, cùng làm, trực tiếp cầm tay chỉ việc nhiều mô hình như: nuôi cá cao sản, bò lai Sind; trồng dâu nuôi tằm; trồng cà phê TS5- Xanh lùn. Từ đó bà con tin và làm theo rất hiệu quả ở từng hộ gia đình, điển hình như mô hình trồng xen canh cây bơ 034 với cây cà phê hiện nay đã nhân rộng ra 3 xã trong vùng dự án, với khoảng trên 20 ha”. Đại úy Phạm Hồng Thái chia sẻ.
Như để chứng minh hiệu quả mô hình trồng bơ ghép xen canh cây cà phê đang được triển khai nhiều trên địa bàn, Đại úy Phạm Hồng Thái dẫn chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Ngô Văn Dũng, ở thôn 10, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Với diện tích 5 ha vườn và 1 ha ao cá, gia đình anh Dũng đã trồng giống bơ 034 xen canh cà phê được 3 năm, ban đầu từ kinh nghiệm cho đến cây giống đều được sự hỗ trợ tích cực của Đội sản xuất số 3. “Nhìn chung những năm qua đầu ra tương đối ổn định và giá bán vẫn giữ ở mức cao, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 1,8 tỷ đồng”. Anh Ngô Văn Dũng quả quyết.
Gieo “mầm sáng” từ con chữ
Chia tay Đội sản xuất số 3, ê kíp tiếp tục vượt gần 150 km đường đèo từ xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà đến xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Đội sản xuất số 1, Đoàn KTQP Lâm Đồng ngoài nhiệm vụ hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi để từng bước thoát nghèo, hằng đêm giữa đại ngàn heo hút này, có một lớp học khá đặc biệt dành cho bà con đồng bào do các “thầy cô giáo” là cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện đảm trách. Những tiếng đánh vần theo từng con chữ vẫn vang lên hàng đêm, bất kể thời tiết nắng hay mưa. Nữ “giáo viên” trẻ ngành Y, Đội sản xuất số 1, Liêng Hót K’Nhi, một người con của núi rừng Tây Nguyên bộc bạch: “Để vận động được bà con đi học là cả một quá trình rất khó khăn của cả đội, ban đầu lớp chỉ có 10 người, nhưng sau nhiều tháng kiên trì vận động, quân số đã tăng lên và duy trì được 33 người như hiện nay”.
Tổ chức các lớp xóa mù chữ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ năm 2013 đến nay, Đoàn KTQP Lâm Đồng đã mở được 14 lớp xóa mù chữ cho bà con đồng bào thuộc hai huyện Đam Rông, Lâm Hà với số lượng trên 650 học viên, độ tuổi trung bình từ 18 đến 60. Điều đáng mừng là khi kết thúc các lớp học, nhiều bà con đã biết đọc, biết viết để cập nhật, nắm bắt thông tin, hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Còn đó những điều trăn trở
Đứng chân trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 80% dân số, Đoàn KT-QP Lâm Đồng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt, giúp bà con từ bỏ các hủ tục lạc hậu, chống nạn tảo hôn, đẻ nhiều con ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hàng năm, Đoàn tổ chức nhiều đợt làm công tác dân vận ở tận trong các thôn, bản heo hút, đường sá đi lại khó khăn, cách trở. Nội dung dân vận chủ yếu là tặng quà, đồ dùng học tập, sách vở, quần áo... cho các cháu học sinh tại các điểm trường vùng cao. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số v.v... Đoàn đã tổ chức xây dựng trên 30km đường bê tông và nhựa liên thôn, liên xã; xây dựng và kéo mới trên 40km đường dây điện trung và hạ thế, xây dựng sân bê tông cho các hộ dân; xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa quân dân cho các hộ đồng bào dân tộc, tôn giáo, góp phần cùng địa phương ổn định tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội.
Mô hình nuôi bò lai Sind do Đoàn KTQP Lâm Đồng triển khai cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đam Rông mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kết quả làm được không ít, song vẫn chưa là bao so với những gì bà con đồng bào đang rất cần, “Chúng tôi thực sự khó khăn khi phải kết thúc hợp đồng với các bạn trí thức trẻ tình nguyện, đây là thực hiện chủ trương của trên. Ở đâu tôi không biết, nhưng với các địa phương thuộc vùng dự án do đơn vị quản lý thì rất cần đến sức trẻ, trí tuệ của họ. Trong khả năng của đơn vị, chúng tôi sẽ cố gắng, huy động nguồn lực, công sức của cán bộ, chiến sĩ để tiếp tục làm cho vùng đất này thêm xanh, cho cuộc sống của bà con đồng bào trong các vùng dự án ngày càng khấm khá hơn”. Thượng tá Hoàng Văn Đình, Chính trị viên Đoàn KTQP Lâm Đồng trăn trở.
Tạm biệt những con người mộc mạc bình dị giữa đại ngàn cao nguyên, trong mỗi chúng tôi vẫn đau đáu một niềm tin, dẫu có khó khăn, vất vả, nhưng những người lính và đồng bào nơi đây sẽ vượt qua, để xây đắp và mang đến những điều tốt đẹp cho mảnh đất nghèo Đam Rông trong tương lai không xa.
Ghi chép: Nguyễn Thế