Cô Tám Nhung sinh năm 1945, quê thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, năm 21 tuổi với lòng yêu nước như các bạn đồng trang lứa cô xin gia nhập vào quân đội, được phân công vào Đội biệt động Đặc công Sài Gòn - Gia Định (đơn vị F100), làm nhiệm vụ điều nghiên - giao liên. Năm 1969, trong khi làm nhiệm vụ không may bị bắt giữ và giam vào Tổng nha Cảnh sát, rồi chuyển về nhà lao Thủ Đức.
Đôi mắt ngấn lệ, giọng hồi tưởng cô kể: "Ngày ấy, ở trong trại giam, chúng tôi phải học thuộc lòng tất cả từ các chỉ thị, nghị quyết về đấu tranh cách mạng từ bên ngoài chuyển vào của chi bộ nhà tù... Phải học thuộc vì đó là nguyên tắc giữ bí mật. Trong những ngày để tang Bác, cô cùng đồng đội cũng học thuộc Di chúc của Bác rồi tổ chức sinh hoạt kiểm điểm... Đối chiếu những việc mình đã làm với những điều Bác dạy, và tự phê bình".
Những trận đòn roi, tra tấn nơi lao tù có lẽ cô không thể nào quên được, cô kể tiếp: "Hồi cô bị bắt, chúng buộc hai tay rồi treo lên trần nhà, chúng làm động tác kéo lên rồi thả xuống gọi là cho “đi tàu bay”, đóng đinh vào kẽ móng tay, ác nghiệt hơn là phải chứng kiến cảnh đồng đội bị bọn chúng cho uống nước xà bông bằng lỗ mũi và miệng đến khi ngất xỉu thì chúng bóp vào mạn sườn cho ọc nước ra rồi hô hấp cho tỉnh để tiếp tục những trận đòn roi, hòng ép khai ra căn cứ của ta.
Suốt 4 năm trời, chúng tra tấn cô bằng đủ mọi ngón đòn dã man nhất. Nhưng cô kiên quyết không khai, không chịu chào cờ, không thực hiện các nội quy nhà giam... Tra khảo mà không thu được gì, bọn chúng đưa cô ra tòa xét xử với tội danh "gây rối trật tự công cộng" và kết án 18 tháng tù rồi đưa vào trại Thủ Đức.
Kể lại những câu chuyện về đấu tranh trong các nhà tù của Mỹ - ngụy, cô Tám Nhung nói: "Trong những ngày ở các trại giam, các chị em chia sẻ cho nhau không chỉ từ miếng cơm, hớp nước, mà còn chia sẻ cả chỗ nằm, khe hở để thở. Chỉ có một thứ chúng tôi tranh giành nhau, đó là tranh giành xông ra trước để đỡ đòn cho đồng đội. Các chị, các má thì bảo: "Tụi tao già rồi, rủi có chết cũng không sao, tụi bay trẻ, phải sống để còn chiến đấu". Nhưng số chị em trẻ thì lại bảo: "Tụi con còn khỏe, chúng đánh có bị thương, cũng dễ lành, cứ để tụi con đỡ đòn cho".
Năm 1973, tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quãng Trị, chúng trao trả tù chính trị và cô được trả tự do, cô được đưa về Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa để dưỡng bệnh. Đến năm 1974 trở vào Nam tiếp tục tham gia chiến đấu đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày trở về công tác tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Cô tham gia nhiều công tác tại xã, tích cực đóng góp xây dựng hội Phụ nữ, giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên và là đảng viên gương mẫu.
Giờ sức khỏe cô đã yếu nhiều, nhưng vẫn cố gắng bán quán tạp hóa nhỏ tại nhà phụ giúp các con. Chúng tôi thật khâm phục cô, một cựu tù chính trị kiên cường, một đảng viên trung kiên và là một người cô, người bà được xóm giềng và mọi người yêu mến.