(QK7 Online) - Tháng 7 mùa tri ân lại về, chúng tôi đến Trung tâm điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất (Trung tâm) thuộc Bộ Lao động TBXH tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thăm các thương bệnh binh nặng.
Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu tặng quà thương binh nặng đang điều trị tại Trung tâm. Ảnh: Quang Sang
Khuôn viên Trung tâm rộng gần 4.000m2 được xây dựng khang trang nằm nép mình giữa một bên là biển Long Hải xanh bao la và một bên là núi chập chùng. Đón chúng tôi là lãnh đạo Trung tâm và đông đảo anh chị em thương binh đang điều trị tại đây. Đồng chí Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Trung tâm là đơn vị duy nhất của Bộ Lao động - TBXH tại các tỉnh thành phía Nam có chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng thương binh và người có công của các tỉnh thành phía Nam...". Trung tâm được thành lập từ tháng 7-1977, tiền thân là Khu Điều dưỡng Thương binh Long Đất. Đến nay Trung tâm nuôi dưỡng 50 thương, bệnh binh nặng loại 1/4 thương tật trên 81%, trong đó có 34 thương, bệnh binh đang được điều trị nội trú và 16 thương binh điều trị ngoại trú. Ngoài ra, hàng năm Trung tâm còn điều dưỡng cho hơn 3.000 người có công và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của các tỉnh, thành phía Nam...
Với khối lượng công việc nặng nề là thế, nhưng Trung tâm chỉ có 50 người gồm 2 bác sĩ, cùng các y sĩ, điều dưỡng và các cán bộ công nhân viên chức khác. Ở đây "mỗi người làm việc bằng hai", phải kiêm nhiệm nhiều công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nữ bác sĩ Trần Thị Nhung là người gắn bó với nơi này hơn 20 năm qua nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm những người thương binh đặc biệt nhất đang điều trị tại Khoa Tâm thần, đây cũng chính là những bệnh nhân thân thương của bác sĩ Nhung. Cô bộc bạch: "Khoa Tâm thần hiện đang nuôi dưỡng 15 thương, bệnh binh tâm thần bị mất trí nhớ hoàn toàn. Họ cứ lúc tỉnh lúc mê, lúc ca hát vui cười vô hồn, lúc la hét hoảng loạn... Do vậy các y, bác sĩ và điều dưỡng phải theo dõi chăm sóc chu đáo và điều trị hiệu quả thì tinh thần họ mới dần ổn định. Có nhiều thương binh sức khỏe đã khá hơn trước, thậm chí có những thương binh sống thọ đến hơn 80 tuổi..."
Thương, bệnh binh tại Trung tâm.
Nhiều năm sống cùng với những thương binh tâm thần như vậy nhưng nữ bác sĩ Nhung vẫn yêu người, yêu nghề và tận tụy chăm sóc thương binh với tất cả tình thương yêu và lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay với những người đi trước đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Cô tâm sự: "Hàng ngày chứng kiến sự sống mong manh của những thương binh nặng, tôi không khỏi xót xa và tự nhủ sẽ làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho thương binh để góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh cho họ. Tôi luôn ý thức rằng: Nếu không có những thương binh liệt sĩ đã dũng cảm xả thân vì nước thì làm sao chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Do vậy thế hệ hôm nay luôn đời đời biết ơn công lao to lớn của các anh hùng TBLS... ". Cho đi là nhận lại, bác sĩ Nhung luôn hết lòng với thương binh, nên dù mất trí nhớ hoàn toàn nhưng mỗi khi trí nhớ chợt thức tỉnh thì người đầu tiên mà thương binh nhớ đến chính là bác sĩ Nhung. Với thương binh ở đây, cô bác sĩ nhân hậu này luôn là "nàng tiên áo trắng" trong trái tim họ. Nữ thương binh 1/4 Thạch Thị Lâm, 73 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, chị bị thương trên chiến trường Lào liệt cả hai chân, phải ngồi xe lăn. Sau khi được điều trị nhiều nơi, chị được chuyển về Trung tâm này từ năm 1991. Hơn 32 năm gắn bó với mảnh đất này, chị xem đây là quê hương thứ hai của mình. Chị xúc động: "Nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ nơi đây nên tôi có cuộc sống bình yên hạnh phúc như hôm nay. Tôi không sao nói hết lòng biết ơn của mình...". Không chỉ có chị, gặp hàng chục thương binh đang điều trị tại đây, chúng tôi đều nghe mọi người khen ngợi các y bác sĩ và cán bộ công nhân viên chức nơi này.
Ngoài chăm sóc thương, bệnh binh tại chỗ, công tác thực hiện chế độ điều dưỡng cho người có công với nước và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng rất chu đáo và được đánh giá cao. Nhờ vậy, hầu hết các đoàn chính sách từ các tỉnh đến đây nghỉ dưỡng đều được chăm lo chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ và đưa đi tham quan các "địa chỉ đỏ" nên mọi người đều bày tỏ thái độ hài lòng và hẹn gặp lại lần sau.
Để đảm bảo nhiệm vụ điều dưỡng và chăm sóc người có công với nước, những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng để mở mang Trung tâm khang trang hơn trước. Chúng tôi rất vui vì Trung tâm đổi mới nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy số thương binh qua đời khá nhiều khiến Trung tâm ngày càng thưa vắng. Dường như thế hệ cầm súng đi trước đang dần mất đi, đòi hỏi chúng ta quan tâm bù đắp kịp thời về cả vật chất lẫn tinh thần để xứng đáng với hy sinh xương máu của họ.
Thiếu tướng Đoàn Quang Hòa, Cục trưởng Cục Chính sách tặng quà Trung tâm.
Đồng chí Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: "Tuy còn nhiều khó khăn vất vả nhưng mỗi dịp 27-7 hàng năm, CB-CNVC và thương bệnh binh ở Trung tâm rất phấn khởi khi được các cơ quan, ban ngành của các tỉnh thành phía Nam về thăm. Đặc biệt, Trung tâm luôn được Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4...đến thăm, tặng quà, động viên tinh thần thương, bệnh binh và các y bác sĩ, CB- CNVC."
Với nhiều người, từ lâu Trung tâm đã trở thành điểm sáng của cả nước về tấm lòng chăm sóc thương binh tận tụy. Là nơi thể hiện chính sách "uống nước nhớ nguồn" của Đảng và Nhà nước ta.
Minh Ngọc