LTS: Ngày 10-12-2015, Quân Khu 7 tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống. 70 năm trải qua 3 cuộc chiến vệ quốc với 3 kẻ thù khác nhau, đó là một kỷ lục quân sự trên thế giới. Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, trong muôn ngàn gian khổ, hi sinh nên những người lính Miền Đông Nam bộ đã hình thành cho mình bản sắc riêng, truyền thống riêng: “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng”. Dịp này, phóng viên Báo Quân khu 7 đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, xin trân trọng giới thiệu!
PV: Kính thưa đồng chí Chính ủy quân khu! Có thể khẳng định rằng Miền Đông Nam Bộ nói chung và Quân khu 7 nói riêng có vị thế chiến lược quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đó vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm của LLVT Quân khu 7, xin đồng chí nói rõ hơn về vị thế ấy?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Vị thế của Quân khu 7 hiện như bây giờ tất nhiên phải trải qua nhiều biến thiên của lịch sử nhưng tất cả là do vị thế địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, địa quân sự của vùng đất Miền Đông Nam bộ nói chung và Quân khu 7 nói riêng nó quyết định. Chúng ta biết rằng khi người Pháp họ đến xâm lược Việt Nam, họ đổ quân ở Đà Nẵng nhưng nếu họ không đánh thắng được chúng ta ở Miền Đông Nam bộ này năm 1861 thì họ không chia cắt được triều đình Huế với Miền Tây Nam bộ, thành ra những việc xảy ra năm 1861 và năm 1862 cho thấy người Pháp đã có tầm nhìn chiến lược và khi mất Miền Đông Nam bộ rồi thì việc mất Miền Tây Nam bộ chỉ còn là vấn đề thời gian và thời gian đó chính là năm 1867. Người Mỹ cũng vậy, họ cũng đổ quân tại Đà Nẵng để họ xâm lược Việt Nam nhưng mà họ đã phải chấp nhận giao đấu với chúng ta chính tại vùng đất Miền Đông Nam bộ này, nơi có thành phố Sài Gòn là nơi đặt thủ phủ của chế độ tay sai và cũng xin nói là thủ phủ này không phải chỉ thời Sài Gòn, thời Pháp họ đã đặt sở chỉ huy chiến lược ở Đông Dương ngay chính tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hiện nay mà sau đó trở thành Bộ Tổng Tham mưu của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Như vậy, vị thế về mặt kinh tế, chính trị, quân sự nó quy định vị thế của Quân khu 7 trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước từ xưa đến nay. Hiện nay trên địa bàn Quân khu 7 mỗi năm làm ra hơn 50% ngân sách Nhà nước, như vậy có nghĩa là hơn phân nửa sức mạnh giữ nước của chúng ta nằm ở đây. Quân khu 7 phải giữ vững vị thế chiến lược địa quân sự trước hết là địa kinh tế, sức mạnh giữ nước trước hết là sức mạnh kinh tế, sức mạnh tổng hợp của dân tộc chúng ta trên địa bàn quân khu.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn Quân khu
PV: Theo đồng chí Chính ủy quân khu thì tố chất nào, đặc thù nào tạo nên tính cách kiên cường, anh dũng của LLVT Quân khu 7 và nhân dân trên địa bàn quân khu?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Tất nhiên có nhiều yếu tố nhưng có lẽ yếu tố mang tính chất lịch sử cũng như tính chất hiện thực là Quân khu 7 nói riêng và miền Nam nói chung là miền đất mới. Nhân dân ta từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào khai phá và trụ được ở xứ này là đã phải chống lại rất nhiều thứ: thiên tai, thú dữ, địch họa, sự kìm kẹp của kẻ thù trong suốt quá trình lịch sử. Như vậy là sự gắn bó của người dân đối với xứ này đã trải qua xương máu, trải qua mồ hôi nước mắt và có lẽ cũng chính điều đó làm cho những người dân của miền Nam nói chung và Quân khu 7 nói riêng không chịu chấp nhận những gì mình đang có hoặc đã có mà phải liên tục khai phá, phải liên tục suy nghĩ, phải liên tục tư duy để làm sao cho việc tạo dựng cuộc sống của nhân dân nói chung trong đó có việc dựng và giữ nước phải liên tục phát triển. Bởi vì nếu không có điều đó chúng ta không có gì để bàn giao cho con cháu.
PV: Thưa đồng chí Chính ủy! Để xứng đáng với vị thế chiến lược quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng như cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã làm thế nào tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mỗi tỉnh thành trên địa bàn trở thành khu vực phòng thủ vững chắc?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Quân khu 7 có 4 vùng rất rõ ràng: miền núi, đồng bằng, biên giới, hải đảo, ở mỗi tỉnh thành như vậy có đặc điểm riêng về địa hình, về kinh tế, về văn hóa, về thế phát triển, bởi vậy cho nên để tạo được sức mạnh nói chung trong quân khu là phải tạo dựng cho được sức mạnh từ mỗi đơn vị phòng thủ và thậm chí trong một tỉnh cũng có địa hình, đặc thù, điều kiện khác nhau. Xây dựng khu vực phòng thủ là điều sống còn, chẳng những nó là điều sống còn mà nó còn là giải pháp của giải pháp, bởi vì phải trên cơ sở phát huy được thế mạnh, sở trường, sở đoản của từng địa phương để từ đó mà tạo ra những nền móng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và cái đó chính là cái nền để khi có chiến tranh xảy ra và kể cả ngay trong thời bình này, huyện phải giữ được huyện, thị phải giữ được thị, thành phải giữ được thành, tỉnh phải giữ được tỉnh bằng tất cả sức mạnh mà tỉnh, thành, huyện, thị đó tạo ra.
PV: Hiện nay Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đang xây dựng tỉnh Tây Ninh thành đơn vị điểm về xây dựng khu vực phòng thủ, qua việc xây dựng ở Tây Ninh, quân khu đã rút ra kinh nghiệm gì để nhân rộng ra các tỉnh, thành khác, thưa đồng chí Chính ủy?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Tây Ninh là một tỉnh không giàu nhưng có vị thế là nơi mà có thể cho phép cơ động binh lực, hỏa lực lớn và thực tế chiến tranh từ hồi kháng Pháp, kháng Mỹ, gần đây nhất là trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam đã cho thấy điều đó. Cho nên, không thể không xây dựng cửa ngõ chiến lược đó thành khu vực phòng thủ vững chắc cả tỉnh và cả huyện. Và khi mà làm điều này, vì đó là tỉnh chưa phải là giàu có cho nên bên cạnh sức lực tự thân của tỉnh thì Bộ Quốc phòng và Trung ương cũng đã chi viện nhiều, nhưng vấn đề chi viện về mặt tiền bạc, về mặt vật chất chỉ là điều kiện còn trước hết phải xây dựng chính con người trên tỉnh Tây Ninh, nơi phên dậu của Tổ quốc. Tôi muốn nói đến thế trận lòng dân, về việc này thì từ khi bắt đầu xây dựng đến nay, nhân dân các địa phương trên tỉnh Tây Ninh đã được trang bị, được hiểu biết về vấn đề quốc phòng an ninh, được trang bị, hiểu biết về lịch sử dân tộc ta trên vùng đất miền Đông Nam bộ, được hiểu biết về chính sách đối ngoại của ta đối với nước bạn Campuchia nói riêng và quốc tế nói chung và những phương lược, những cách thức để chúng ta giữ vững an ninh, giữ vững về quốc phòng, trên cơ sở đó ổn định về chính trị, tức là giữ vững được môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Cũng từ điều kiện như vậy, Tây Ninh từ một tỉnh nghèo thì nay với đà phát triển công nghiệp thì cũng đã dần dần khấm khá, đã có thể tự trang trải chi phí trong tỉnh và bước đầu có tích lũy, đó chính là sức mạnh giữ nước của quân khu trên tỉnh Tây Ninh và hiện nay quá trình đó vẫn còn đang tiếp diễn.
PV: Thưa đồng chí Chính ủy! Vừa là địa bàn chiến lược về quốc phòng vừa là địa bàn trọng điểm kinh tế của cả nước, vậy vấn đề cốt lõi mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu cũng như cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tham mưu, phối hợp cùng các địa phương nhằm gắn phát triển kinh tế với thực hiện công tác quân sự quốc phòng như thế nào để tạo thành thế vững chắc?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Như tôi vừa nói trên, không thể bàn về chuyện giữ nước nếu như không có phát triển kinh tế, không giữ được sự ổn định chính trị, không giữ được môi trường hòa bình, chính điều này nó quy định phương pháp, cách thức từ đó quy định công việc của mỗi người dân, của mỗi người lính trong quân khu cũng như ở từng tỉnh nói riêng. Như vậy là tất cả những vấn đề xây dựng, phát triển về mặt kinh tế nó sẽ tạo ra các nền tảng cho công tác quân sự, công tác giáo dục, công tác đào tạo, công tác an dân. Với những tỉnh phên dậu, chúng tôi xây dựng ở đó những khu dân cư, những tuyến dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tại chỗ và kết hợp với công tác đền ơn đáp nghĩa, làm cho trước hết lòng người ở các tỉnh phên dậu nói riêng và trong quân khu nói chung phải ổn, tức là phải đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thuận với chủ trương kinh tế của địa phương, do đó mới đồng thuận với vấn đề an ninh, vấn đề quốc phòng. Kinh tế, an ninh - quốc phòng là hai mặt gắn bó rất chặt với nhau, hỗ trợ nhau và cùng với đó là an sinh xã hội. Chúng ta biết rằng, trong điều kiện mà chúng ta đang bị tiến công bốn bề bởi chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thì vấn đề lòng dân, vấn đề kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, giữ vững an ninh – quốc phòng là điều sống còn cho chúng ta.
PV: Đồng chí vừa đề cập đến chiến lược “Diễn biến hòa bình” cũng như vấn đề xây dựng thế trận lòng dân, ổn định lòng dân, xin đồng chí chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như một số kết quả đạt được trong công tác giáo dục quốc phòng – an ninh trên địa bàn trong những năm qua?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Vấn đề giáo dục quốc phòng – an ninh nó không bó gọn trong những nội dung mà luật quy định, nó cũng không chỉ bó gọn trong những khóa, lớp đào tạo. Giáo dục quốc phòng an ninh là tổng thể hoạt động giáo dục của toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn quân khu, là hoạt động tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các đơn vị LLVT cho tất cả các tầng lớp nhân dân. Như vậy có nghĩa là, ở đây bên cạnh việc chúng tôi phải giáo dục, phải mở các lớp giáo dục quốc phòng an ninh cho đối tượng 2, đối tượng 3, đối tượng 4, riêng việc này thì chúng tôi có thể dùng từ “phủ sóng” hầu hết cho các đối tượng và dĩ nhiên phải cập nhật theo tiến trình của đội ngũ cán bộ đó. Quá trình tiến hành công tác giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng – an ninh, chúng tôi hết sức quan tâm: thứ nhất là đối tượng cốt cán của ta trong hệ thống chính trị kể cả cán bộ quân sự, hai là đối với sinh viên, học sinh trên địa bàn, thứ ba chúng tôi hết sức quan tâm đến đối tượng là già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo. Điều lý thú ở đây, khi chúng tôi làm điều này thì luôn nhận được sự ủng hộ, sự đáp ứng rất tốt, rất tích cực và rất có hiệu quả của các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc. Đặc thù của Quân khu 7 có thế mạnh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có những đối tượng mà nơi khác không có hoặc có nhưng hạn chế như là chủ nhà trọ, công nhân, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chúng tôi đều phổ cập không bỏ sót đối tượng nào. Nghĩa là tất cả những ai là công dân Việt Nam và những ai hoạt động trên địa bàn của Quân khu 7 đều phải hiểu được quan điểm về quốc phòng – an ninh của đất nước chúng ta, tức là hiểu được lẽ phải của người Việt Nam chúng ta, của Nhà nước ta, Đảng ta, Nhân dân ta về vấn đề dựng và giữ nước để từ đó mà mỗi người, mỗi tầng lớp người biết làm việc gì, biết hành động, cư xử như thế nào để mà bảo vệ được nền hòa bình, bảo vệ cho được sự ổn định chính trị từ đó phát triển kinh tế, có lợi cho Nhân dân ta, có lợi cho doanh nghiệp, cho đối tác làm ăn.
PV: Thưa đồng chí Chính ủy, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh là chúng ta phải xây dựng quân đội: tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt… lĩnh hội chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu có chủ trương và định hướng xây dựng LLVT quân khu ra sao theo tinh thần đó?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Tôi nghĩ đây là cách nói cụ thể hơn của vấn đề xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt…. Tất cả những điều đó nó liên quan đến 2 điều, thứ nhất là con người và thứ hai là những điều kiện đảm bảo cho con người. Hiện nay vũ khí, trang bị của chúng ta cũng đã được đầu tư ở mức cần thiết, phương tiện chiến đấu, các phương tiện vận chuyển, các phương tiện xây dựng LLVT, phương tiện đảm bảo cuộc sống… cũng đã được đầu tư khá. Vậy thì vấn đề còn lại là con người, bởi vì phương tiện có thể mua được nhưng con người phải giáo dục, phải đào tạo, phải kế thừa, phải được tổ chức. Ở đây chúng tôi bắt đầu từ việc xây dựng đầu vào của chiến sĩ. Quân khu 7 cách đây 5 năm rất khó tìm được chiến sĩ mới có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, thậm chí là tốt nghiệp trung học phổ thông, hiện nay số cao đẳng, đại học đã chiếm hơn 20%, số tốt nghiệp trung học phổ thông đã chiếm trên 50%, có nghĩa là cứ 2 người lính thì có một người có thể đào tạo để trở thành cán bộ phục vụ lâu dài trong quân đội hoặc được đào tạo để quay về tham gia hệ thống chính trị tại địa phương, hoặc được đào tạo để trở về làm lực lượng ưu tú nhất trong nguồn nhân lực mà chúng tôi gọi là nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các địa phương, nhất là các địa phương phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì sao chất lượng cao? Vì: trên cơ sở được đào tạo phổ thông họ được rèn luyện trong môi trường kỷ luật, chính quy, được rèn luyện bản lĩnh chính trị. Kiến thức và ý thức giúp họ có khả năng tiếp thu nhanh nhất khoa học kỹ thuật quân sự, làm chủ vũ khí trang bị, xác định rõ đối tượng, đối tác, họ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Còn khi trở về địa phương, họ mang trở về tác phong quân sự. Chính quy trong quân đội chính là tác phong công nghiệp và điều quý nhất mà những người lính mang trở về địa phương là độ tin cậy chính trị. Những điều đó giúp những người lính trở về có kỹ năng sống, có khả năng tiếp cận khoa học công nghệ để hòa nhập có hiệu quả nhất vào công cuộc lao động, xây dựng quê hương. Mặt khác, họ còn là đội ngũ dự bị động viên hùng hậu, ưu tú trên từng địa bàn, từng khu vực phòng thủ.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy quân khu!
LẠI THẾ HIỀN (thực hiện)