(QK7 Online) – “Bước vào tuổi 80, nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu (ông vốn là đại tá và là một người làm công tác quản lý một doanh nghiệp quân đội), cho in tuyển tập thơ “Thơ Nguyễn Văn Hiếu” gồm 225 bài thơ và 10 bài viết về thơ mình đã in trên báo chí của những nhà thơ và nhà phê bình văn học tên tuổi từng khoác áo lính như Hữu Thỉnh, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình”. Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu trong buổi ra mắt tuyển tập "Thơ Nguyễn Văn Hiếu".
Sáng 27/9, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu, ra mắt tập Thơ tuyển chọn của nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu. Đại tá, nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1945, tại Định Tân, Yên Định, Thanh Hóa. Ông nhập ngũ năm 1965, công tác và chiến đấu ở Binh đoàn Trường Sơn (Đ559), Tổng cục Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng. Ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Hậu cần.
Nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu bộc bạch: Thơ là chất quặng nằm trong đời sống, là kỷ niệm buồn vui sướng khổ của đời người, đến lúc nào đó tuôn trào thành cảm xúc, thành thơ…
Tập Thơ Nguyễn Văn Hiếu (Nhà xuất bản Văn học cấp tái bản lần thứ nhất) dày gần 400 trang với gần 300 bài thơ được tuyển chọn từ kho tàng thơ của ông. Những vần thơ viết từ trái tim người lính có gần 40 năm binh nghiệp, tin rằng tác phẩm sẽ chạm đến trái tim của nhiều độc giả yêu thơ.
Nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu (thứ 4 từ phải sang) chia sẻ trong chương trình.
Đến nay, ông xuất bản nhiều tập thơ và nhận được không ít giải thưởng văn học nghệ thuật như: Tặng thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 với tác phẩm “Tiếng gõ giao mùa”; Giải thưởng Tài hoa trẻ năm 1999 (chùm thơ Hóa thạch, Màu xanh con gái); Giải Nhì cuộc thi thơ báo Tài hoa trẻ 2001-2002 (chùm thơ Rượu, Sương khói, Người đẹp Tây hồ); Giải Nhì cuộc thi thơ Báo Người Hà Nội năm 2000 bài thơ Đưa em về; Giải thưởng văn học 5 năm Bộ Quốc phòng 1999-2014 cho tập thơ Cánh buồm heo may; Giải thưởng cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội 2008-2009.
Đọc tập thơ, Nhà văn Trịnh Bích Ngân xúc động: “Thơ Nguyễn Văn Hiếu còn đau đau với những mất còn của cuộc đời với dòng xoáy nghiệt ngã của nó, thậm chí khốc liệt hơn cả trên trận mạc chiến tranh, bởi thứ “đạn bọc đường” đã giết chết không ít những người từng quả cảm hứng lấy làn tên mũi đạn về mình.”
Lê Tiến