Hình minh họa
Hình minh họa
TP.HCM được giao lập báo cáo khả thi tuyến Vành đai 4
Phó Thủ tướng giao UBND TPHCM làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ Báo cáo NCTKT các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có trách nhiệm phối hợp với UBND TPHCM trong quá trình hoàn thiện Báo cáo NCTKT và triển khai Dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để sớm tổ chức thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TPHCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6656/VPCP-CN ngày 18/9/2024 của văn phòng Chính phủ.
Thí điểm nới loại đất làm nhà ở giúp tăng nguồn cung, giảm giá nhà
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhiều doanh nghiệp Bất động sản tại TP.HCM rất kỳ vọng Dự thảo sẽ được Quốc hội Khóa 15 xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, dự thảo Nghị quyết thí điểm nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được tiếp cận đất đai thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện “thuận mua vừa bán” giữa người dân và doanh nghiệp, không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Cùng các phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án hiện nay là đấu giá đất hoặc đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đại diện HoREA cho rằng phương thức thỏa thuận sẽ làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại, từ đó góp phần kéo giảm giá nhà.
TP.HCM dự kiến thu hơn 25.000 tỷ đồng từ việc gỡ vướng 22 dự án bất động sản
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Tài chính TP.HCM (Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.HCM) về các dự án dự kiến trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.HCM trong quý 4/2024.
Theo đó, để đảm bảo dự toán nguồn thu ngân sách năm 2024 từ các khu đất dự kiến thu nghĩa vụ tài chính trên địa bàn TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM dự kiến trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.HCM 22 dự án trong quý 4/2024, với số tiền khoảng 25.483 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, do vướng công tác thẩm định giá đất mà rất nhiều dự án Bất động sản trên đại bàn TP.HCM không tính toán được nghĩa vụ tài chính, thu tiền sử dụng đất. Điều này khiến rất nhiều dự án, chung cư không triển khai cấp phép xây dựng hay làm sổ hồng cho người mua nhà.
Tình trạng này gây khó khăn cho nhiều chủ đầu tư và người mua nhà chung cư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn thu ngân sách của TP.HCM sụt giảm.
Đồng Nai chuyển đổi 141ha đất lúa để làm khu đô thị hơn 72.000 tỉ đồng
Tại Kỳ họp thứ 20 - kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn tỉnh (lần 4).
Theo đó, sẽ thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 163ha đất trồng lúa trên địa bàn các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa để thực hiện 6 dự án. Trong số 6 dự án sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa tại phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa là dự án có diện tích đất trồng lúa sẽ được chuyển mục đích sử dụng lớn nhất với hơn 141ha.
Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa có diện tích 293ha, tổng mức đầu tư hơn 72.200 tỉ đồng. Dự án được chia thành 6 giai đoạn, thực hiện trong thời gian 12 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư (2023-2035). Thời gian hoạt động của dự án 50 năm theo Luật Đầu tư.
Hoàng An