Theo đó, giai đoạn 2015-2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Bộ đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.418 tỷ đồng; trong đó yêu cầu nộp ngân sách nhà nước 493,1 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 999,8 tỷ đồng.
Danh sách các doanh nghiệp bất động sản bị thanh tra.
Số tiền các cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính chủ yếu liên quan đến tiền sử dụng đất, kê khai nộp thiếu các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi…
Loạt các doanh nghiệp bị thanh tra, yêu cầu xử lý tài chính đều là các “ông lớn” trên thị trường bất động sản như: Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty IDICO-CTCP, Tổng công ty 319 BQP, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico), Công ty CP Kosy…
Bộ Tài chính cho biết đến nay cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các kiến nghị về xử lý tài chính và nộp ngân sách, tuy nhiên còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện xong do vướng mắc về xác định tiền sử dụng đất, phân bổ chi phí hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng tài sản dẫn đến chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.
Trong đó tính đến cuối năm 2023, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội nợ hơn 731 tỷ đồng, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị nợ 8,2 tỷđồng, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp nợ 16,7 tỷ đồng.
Lý do là vì vướng mắc về xác định giá trị tiền sử dụng đất, phân bổ chi phí hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng tài sản… dẫn đến chậm quyết toán, chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.
Với trường hợp Handico, Bộ đề nghị doanh nghiệp báo cáo UBND TP. Hà Nội về việc chuyển nhượng tài sản, quyền thuê đất, vướng mắc tiền sử dụng đất, chi phí phân bổ kỹ thuật hạ tầng công trình để thành phố chỉ đạo giải quyết các vướng mắc.
Phương Vy