Ở chiến trường, bộ đội thường dùng từ “pháo bầy” để nói về phương án tác chiến pháo binh của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn. Pháo bầy là nhiều khẩu pháo cùng bắn vào một điểm, hoặc nhiều trận địa pháo ở các nơi cùng dội vào một khu vực. Họ nhiều súng, lắm đạn, bắn như mưa với quyết tâm hủy diệt đối phương. Lính Giải phóng ai cũng ngán pháo bầy, bởi nó là siêu hủy diệt.
Qua mấy tiếng đồng hồ, pháo binh địch từ các nơi bắn dồn dập vào đội hình tiến công của ta khiến bộ đội bị thương vong khá nhiều. Có những trường hợp tổn thất kép rất thương tâm. Người còn khỏe lên đưa thương binh xuống dưới để cứu chữa thì pháo bắn tới chết luôn cả hai người.
Trinh sát Phạm Ngọc Chức vẫn chưa quên: “Pháo bắn dày đặc, anh em bị thương nhiều. Tôi bị thương vào điểm sơ cứu, quân y vừa băng bó xong đã thấy các anh đưa anh Phú vào. Lát sau lại đến lượt anh Chiến. Toàn những trường hợp bị thương nặng. Y tá Thơ mới băng bó và động viên tôi, lát sau đã nghe tin Thơ bị pháo bắn chết…”.
Y tá Lê Đức Minh kể lại: “Pháo bắn vào các mũi tiến công, bắn vào điểm tiếp tế hậu cần, bắn luôn cả vào điểm cứu thương ở dưới. Cả thương binh và quân y cũng đều chết. Anh em bị thương dồn dập khiến quân y không kịp xử lý. Pháo bầy đúng là siêu hủy diệt”.
Trinh sát Nguyễn Văn Chế vẫn nhớ nằm lòng: “Khi lính ta bước ra khoảng trống, không có vật che khuất, lính địch trên cao nhìn thấy là họ gọi pháo bắn ngay. Pháo địch đã bắn là trúng…”.
Trinh sát Triệu Xuân Hòa, chiến sĩ liên lạc tại Sở Chỉ huy (sau là Anh hùng LLVTND, Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7) bồi hồi nhớ lại: “Bộ phận thọc sâu có ba tổ, chín tay súng, các anh chiến đấu vô cùng dũng cảm bên trong cứ điểm địch. Do thời gian chiến đấu kéo dài, số đạn và lựu đạn mang theo đã hết, không có nguồn tiếp tế, các anh đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Không còn thấy các chiến sĩ trong các tổ thọc sâu, anh em trong đơn vị ngậm ngùi đau xót nghĩ rằng các anh đã hy sinh hết…”
(Ba ngày sau, như có phép mầu, trong đêm tối, anh Võ Thanh Hải- quê Nam Đàn, Nghệ An- người còn lại duy nhất từ vòng vây của địch bò ra gặp đồng đội. Lúc đó anh đã kiệt sức và vết thương đạn bắn xuyên cằm quá nặng đang nhiễm trùng. Bạn bè ôm nhau trào nước mắt).
Bốn giờ sáng, do pháo địch bắn liên tục nên lửa vẫn cháy đỏ rực nơi các lớp hàng rào quanh cứ điểm. Trên trận địa lúc này chẳng khác nào sự căng thẳng ở phút 89 của trận đấu súng sắp qua hai hiệp chính. Tranh thủ chút thời gian hiếm hoi trước khi trời sáng, bộ đội ta tiến công quyết liệt hơn. Tin vui được loan đi, tại mũi chủ công hướng Tây- Nam, một số tổ chiến đấu đã vào được cứ điểm địch và anh em đang phát triển mở rộng.
Đại đội trưởng Nguyễn Duy Thái bị đạn bắn trúng cổ, máu ra ướt sũng áo, vết thương trên cổ vẫn đang sủi bọt máu, nhưng anh vẫn cương quyết không rời trận địa. Y tá Trần Nhật Thành phải “ra lệnh cưỡng chế” sau đó trinh sát Nguyễn Văn Chế mới cõng được anh Thái xuống trạm sơ cứu. Anh Vũ Đăng Cao (Chính trị viên Đại đội 3) thay thế vị trí chỉ huy mũi chủ công.
Do số anh em bị thương quá nhiều, bộ phận quân y xử lý không kịp nên từng tổ chiến đấu phải tự giúp nhau sơ cứu khi đồng đội bị thương. Sau những giờ tả xung hữu đột dưới mưa pháo và bão đạn, phía ta nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú của đơn vị đã hy sinh: Lưu Văn Duệ, Đỗ Tấn Quang, Thái Doãn Thang, Nguyễn Xuân Minh, Trần Minh Hải, Lê Mạnh Hằng, Phạm Văn Năm, Nguyễn Đức Lộc, Đinh Văn Thường, Trần Văn Trãi, Vũ Trọng Vang, Hoàng Văn Hòa…
Ôi, mới chỉ qua một đêm đã có hàng chục đồng đội của chúng tôi không trở về. Chúng tôi mất đi những bạn bè từng nhường cơm sẻ áo, từng chia nhau những viên thuốc khi cái chết đang cận kề. Gia đình các anh mất đi một người con hiếu thảo. Trên khắp mọi miền của đất nước, lại có thêm những mẹ già, những gia đình mòn mỏi trông chờ các anh trong vô vọng… Anh em đồng đội lặng người đau xót, tiếc thương các anh. Những người lính cắn chặt môi, cố nén lòng nhưng nước mắt vẫn cứ tuôn rơi.
Đất nước tôi, đất nước của một dân tộc anh hùng, đã sinh ra những chiến sĩ anh hùng. Chiến công của quân đội ta, trước hết thuộc về những anh hùng liệt sĩ, những người mẹ liệt sĩ và những gia đình liệt sĩ.
Sức hủy diệt của vũ khí Mỹ đã phá hủy phương án đánh nhanh, thắng nhanh của phía ta. Lệnh từ sở chỉ huy truyền đến toàn trận địa chuyển sang phương án hai. Rút quân ra ngoài hàng rào, triển khai chiến thuật vây lấn, chặn tiếp tế của địch cả đường bộ, đường không, ban đêm tập kích diệt các ổ đề kháng, tiêu hao sinh lực địch, nhằm bức rút, xóa sổ cứ điểm.
Trời sáng dần, các mũi tiến công đưa anh em thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Xót thương đồng đội, mọi người thề với nhau quyết tâm quét sạch cứ điểm địch trên đỉnh núi này. Chúng ta không có pháo bầy, không có máy bay dội bom để hủy diệt đối phương. Nhưng, chúng tôi hiểu, lời thề đó là trách nhiệm, là danh dự, là bản lĩnh của bộ đội trinh sát, đặc công đã được tôi luyện trong lửa đạn chiến trường.
(Còn tiếp)