Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) tiền thân là nhà máy Xi măng Hà Tiên do hãng VENOT.PIC của Cộng hòa Pháp cung cấp thiết bị. Năm 1964, nhà máy Xi măng này chính thức đưa vào hoạt động với công suất ban đầu là 240.000 tấn clinker/năm tại Kiên Lương và 1 dây chuyền sản xuất 280.000 tấn Xi măng/năm tại nhà máy Thủ Đức.
Năm 2000, công ty thực hiện cổ phần hóa, đến năm 2007 trở thành công ty cổ phần. Năm 2009, Công ty CP Hà Tiên 1 và Công ty CP Hà Tiên 2 sáp nhập với tên mới là Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên.
Hiện tại, Xi măng Hà Tiên đang sở hữu 2 nhà máy (gồm nhà máy Xi măng Kiên Lương - Kiên Giang và nhà máy Xi măng Bình Phước - Bình Phước) và 3 trạm nghiền Xi măng (gồm trạm nghiền Phú Hữu - TP.HCM, Cam Ranh - Khánh Hòa và Long An - Long An) với tổng công suất hơn 4,6 triệu tấn clinker và 7,5 triệu tấn Xi măng/năm. Với thị phần gần 35%, đây cũng là công ty Xi măng lớn nhất miền Nam hiện nay.
Nhà máy Xi măng Hà Tiên
Được biết, lĩnh vực kinh doanh của Xi măng Hà Tiên bao gồm sản xuất kinh doanh xi măng và các sản phẩm từ Xi măng; Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, các sản phẩm phục vụ xây dựng và công nghiệp; Xây dựng và kinh doanh bất động sản; Dịch vụ bến cảng, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận chuyển, bốc dỡ, đường bộ, đường sắt, đường sông…
Theo báo cáo thường niên 2023, nhà sản xuất Xi măng này đang có 2.444 lao động, không có biến động nhiều so với năm trước.
Mới đây, Xi măng Hà Tiên đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 1,843 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Sau khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp hơn 204 tỷ đồng, tăng 14%. Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh lên hơn 3 tỷ đồng, gấp 3.6 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng chi phí trong kỳ cao ở mức 156 tỷ đồng, tăng 12%. Cùng với đó, Xi măng Hà Tiên có khoản chi phí tài trợ hơn 14 tỷ đồng khiến lợi nhuận ròng giảm 61%, xuống còn hơn 21 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Xi măng Hà Tiên cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý 4/2024 là do tình trạng dư thừa nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty xi măng về giá bán và chính sách bán hàng nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần.
Lũy kế năm 2024, nhà sản xuất xi măng này ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ 2% so với năm ngoái, đạt 6.884 tỷ đồng và lãi sau thuế 65 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2023.
Tính đến thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Xi măng Hà Tiên đạt 8.222 tỷ đồng, giảm 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, công ty có hơn 1.900 tỷ đồng tài sản ngắn hạn với hơn 850 tỷ đồng tiền mặt. Giá trị hàng tồn kho giảm 24% còn 646 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn ghi nhận hơn 6.300 tỷ đồng. Đáng chú ý, chiếm một phần không nhỏ là tài sản dài hạn dở dang liên quan đến các dự án đang xây dựng như dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên - nhà máy Xi măng Bình Phước (200 tỷ đồng), dự án tại Kiên Lương (234 tỷ đồng).
Bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Xi măng Hà Tiên hơn 3.340 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Trong đó, hơn 1.500 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Thúy Hà