(QK7 Online) - Đồng chí Đào Sơn Tây, sinh ngày 10-1-1915, trong một gia đình công nhân nghèo ở xã Tân Thủy, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Thuở nhỏ, đồng chí có tuổi thơ đầy cơ cực, mới lên 8 tuổi đã mồ côi mẹ. Cuộc sống khó khăn, Đào Sơn Tây phải đến ở với người cậu. Năm 11 tuổi, để có tiền đi học, Đào Sơn Tây vừa đi làm thuê vừa đi học. 18 tuổi, Đào Sơn Tây xa gia đình, đi làm thuê và học nghề ở Đềpô Dĩ An và các gara ở Sài Gòn để sinh sống. Sớm lăn lộn với cuộc sống, chứng kiến những cảnh đời khốn cùng dưới ách áp bức của thực dân, đồng chí Đào Sơn Tây dần hiểu được rằng, chỉ có độc lập, tự do mới mang lại hạnh phúc cho con người. Nhận thức được điều đó, đồng chí đã đi theo cách mạng, bởi chỉ có cách mạng mới cứu thoát nhân dân khỏi cuộc sống lầm than.
Thiếu tướng Đào Sơn Tây
Những năm từ 1935 đến 1936, đồng chí tham gia đấu tranh ở các xí nghiệp, đòi quyền sống, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc cho giới thợ Sài Gòn - Chợ Lớn và tham gia vào Ủy ban hành động trong phong trào Đông Dương đại hội. Quá trình đấu tranh, lý tưởng cách mạng ngày càng được giác ngộ sâu sắc, năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1938, đồng chí hoạt động trong phong trào công nhân ở Công xưởng Ba Son (Sài Gòn), tham gia nhiều cuộc bãi công: Yêu cầu giới chủ tăng lương 20%, nhận lại các công nhân bị đuổi việc trước đây, ngày lĩnh lương phải được nghỉ trước nửa tiếng… Sau thời gian đấu tranh bền bỉ, điều đình trong sự hăm dọa và đàn áp của thực dân, cuối cùng các yêu sách của công nhân Công xưởng Ba Son cũng được giải quyết một phần (tăng 10% lương, được nghỉ 15 phút trong ngày lĩnh lương). Nhưngquan trọng nhất, đây là cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên của công nhân Nam Kỳ và công nhân cả nước, gây tiếng vang vượt khỏi phạm vi Ðông Dương để đến với phong trào cách mạng vô sản và công nhân thế giới.
Năm 1944, đồng chí Đào Sơn Tây chuyển về gây dựng cơ sở hoạt động ở Đềpô xe lửa Dĩ An và các làng phụ cận Sài Gòn. Đầu năm 1945, đồng chí tham gia huấn luyện quân sự, chính trị... cho tổ chức Thanh niên Cứu quốc và Thanh niên Tiền phong ở khu vực Dĩ An. Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ, đồng chí tham gia giành chính quyền tại vùng quê Thủ Đức.
Sau khi thực dân Pháp núp bóng quân Anh quay trở lại xâm lược Nam Bộ (9-1945), với trách nhiệm Chỉ huy phó bộ đội địa phương Dĩ An, đồng chí Đào Sơn Tây chỉ huy lực lượng dân quân du kích cướp súng của quân Nhật chống lại quân Anh, Ấn, Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, gây cho địch nhiều tổn thất. Năm 1946, đồng chí là Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng Đại đội 10, Chi đội 6 Gia Định. Năm 1947, đồng chí nhận nhiệm vụ Quyền Trung đoàn phó Trung đoàn 306. Năm 1949, đồng chí được bổ nhiệm Trung đoàn phó Liên Trung đoàn 306-312, rồi Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Gia Định. Năm 1951, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tỉnh đội phó Tỉnh đội Gia Định - Ninh. Năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn cuối, đồng chí được cử ra miền Bắc học Trường Quân chính Trần Quốc Tuấn. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ: Từ năm 1955 đến năm 1956, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Sư đoàn phòng không 367.
Tháng 5-1957, đồng chí là Tham mưu trưởng Trung đoàn 465, Sư đoàn 351. Tháng 3-1958, đồng chí Đào Sơn Tây nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Huấn luyện cao xạ, Sư đoàn 351. Từ năm 1960 đến năm 1961, đồng chí được cử đi học tại Trường Pháo binh 100. Tốt nghiệp khóa học, đồng chí vào chiến trường miền Nam (Chiến khu Đ), có nhiệm vụ xây dựng căn cứ sản xuất, tiếp nhận lực lượng từ miền Bắc vào. Sang năm 1964, để chuẩn bị tiến hành Chiến dịch Bình Giã (2-12-1964 - 3-1-1965), nhằm đánh đòn tạo thế, đồng thời thử nghiệm về khả năng mang vác, đánh độc lập của pháo binh, Bộ Chỉ huy Miền giao cho Đoàn U80 tập kích pháo binh vào sân bay Biên Hòa. Với cương vị Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn Pháo binh Miền, đồng chí Đào Sơn Tây cùng Bộ Tư lệnh Đoàn tiến hành điều nghiên, bàn bạc tổ chức trận đánh. Sau khi đã hoàn chỉnh phương án tác chiến và kiểm tra công tác chuẩn bị của các đơn vị tham chiến, Bộ Tư lệnh Đoàn quyết định pháo kích vào đêm 31-10-1964. Thắng lợi của trận đánh sân bay Biên Hòa làm nức lòng quân và dân cả nước, gây tiếng vang lớn trên thế giới. Ngay sau trận đánh, Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất cho Đoàn Pháo binh Miền U80. Chiến công lừng lẫy đó là công lao to lớn của cả tập thể Đoàn U80, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp của vị lãnh đạo, chỉ huy tài ba là Đoàn trưởng, Chính ủy Đào Sơn Tây.
Đầu năm 1966, để tiếp tục phát huy sở trường luồn sâu đánh hiểm, Chính ủy Đào Sơn Tây đưa ra đề nghị pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi Bộ Chỉ huy Đoàn 69 thông qua và được Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền chấp thuận, ngày 12-4-1966 trận pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra và giành thắng lợi giòn giã. Chiến công nối tiếp chiến công, Đoàn 69 dưới sự chỉ huy của đồng chí Đào Sơn Tây đã tổ chức nhiều trận đánh có hiệu quả như: Trận tập kích ngày 24-4-1966, vào 2 tiểu đoàn bộ binh thuộc Lữ đoàn 1, Sư đoàn 1 Mỹ đóng ở Nhà Đỏ - Bông Trang (Thủ Dầu Một); trận ngày 6-7-1966, pháo kích căn cứ Lữ đoàn 2, Sư đoàn 25 Mỹ tại Đồng Dù; trận ngày 28-2-1967, tập kích Sở chỉ huy địch ở Dầu Tiếng, căn cứ pháo binh ở Trảng Bàng và cụm quân Mỹ ở Tà Xia…
Tháng 10-1968, đồng chí Đào Sơn Tây được bổ nhiệm Chính ủy Cục Hậu cần Miền. Với rất nhiều chiến công và thành tích đạt được trong chiến đấu, xây dựng lực lượng… năm 1974, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Chính ủy Quân khu 7; đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam.
Năm 1978, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 16-6-1998, đồng chí đã qua đời do bệnh nặng. Hơn 60 năm liên tục tham gia hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào Thiếu tướng Đào Sơn Tây cũng luôn là một cán bộ trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; là chỉ huy dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, nhiệt tình hăng say trong công việc; gần gũi yêu thương đồng chí, đồng đội, thủy chung với gia đình, luôn giữ vững được phẩm chất của người đảng viên. Dù công tác ở đâu, đồng chí cũng được đồng đội yêu mến, Nhân dân tin yêu, gia đình kính trọng. Những năm tháng hoạt động trên chiến trường Đông Nam Bộ, đồng chí không quản ngại gian khó, hy sinh lợi ích cá nhân, đem hết những kinh nghiệm và tài trí của mình cùng lãnh đạo, chỉ huy các cấp xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Trong cuộc đời hoạt động, chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, thống nhất đất nước, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tại quê hương Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, tên của Thiếu tướng đã được vinh danh và đặt tên cho 2 trường học: Trường Tiểu học Đào Sơn Tây tọa lạc ở số 61, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước và Trường Trung học phổ thông Đào Sơn Tây tọa lạc ở số 53/5, đường số 10, Khu phố 3, phường Linh Xuân.
Hà Vi
Trích sách Chân dung tướng lĩnh Quân khu 7 (1945-2020), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2021