Một cuộc họp khẩn cấp diễn ra chớp nhoáng giữa ban chỉ huy đại đội, các Trung đội trưởng và Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3. Theo thông tin từ các chiến sĩ ở Tiểu đội 3 thì trước đó chừng nửa tiếng đồng hồ, Huy xuống căng-tin của đơn vị rồi không thấy đâu nữa. Nhật nhận định: Với thời gian ngắn như vậy Huy không thể đi xa. Phía trước đơn vị là sông, sau lưng là thao trường, Huy chỉ có thể đi hướng phải hoặc trái. Kinh nghiệm quản lý chiến sĩ cho thấy, khả năng Huy về nhà đón tết cùng gia đình là cao nhất nên tập trung theo đường về nhà Huy, tuy nhiên vẫn không loại trừ chiến thuật “giương Đông kích Tây” nên cũng tăng cường lực lượng kiểm tra hướng còn lại. Giao cho đại đội phó và Chính trị viên chỉ huy hai mũi, cùng với cán bộ trung đội. Phương tiện di chuyển bằng hon-da, bán kính khoảng năm cây số.
Sự việc diễn ra nhanh chóng nhưng cũng đủ làm xôn xao đại đội. Để trấn an tinh thần chiến sĩ, Nhật cho tập hợp đơn vị để quán triệt. Khi đội hình đã chỉnh tề thì trực ban nội vụ tiểu đoàn thông báo: “Phía sau đơn vị, chỗ công sự trận địa đại liên có ánh sáng lấp lánh, lờ mờ, chưa rõ là gì. Đại đội cho người ra đó kiểm tra!”. Chuyện gì đây? Việc này chưa xong đã tới việc khác. Ma quái thì anh không tin rồi. À, chẳng lẽ bộ đội trốn ra đó nhậu? Có thể lắm! Hôm nay đơn vị bắt đầu tổ chức cho bộ đội ăn tết. Hàng ngày học tập, huấn luyện “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà thức ăn còn thừa mứa, giờ bộ đội ta cứ thong dong mà khẩu phần tăng gấp đôi thì bụng dạ nào chứa nổi, vì vậy nên dành phần để tối nhậu cũng nên. Nhật gọi ngay hai chiến sĩ đi cùng anh.
“Tối như đêm ba mươi” có khác. Trên trời không một vì sao. Ánh sáng từ ban chỉ huy tiểu đoàn không đủ mạnh soi rõ con đường dẫn ra ngoài trận địa, nhưng vì quen chân nên chả ai thấy khó khăn gì, vả lại có chiếc đèn pin nên cũng không sợ đạp nhầm rắn rít. Ba bóng người thận trọng, nhẹ nhàng từng bước tiến về phía trước. Nhật định bụng, nếu bắt gặp chiến sĩ uống rượu, anh sẽ đề nghị phạt nặng, bởi vì vi phạm lệnh cấm và cũng là chừa cái thói mới tí tuổi đầu đã nhậu với nhẹt.
Khoảng cách ngắn dần… ngắn dần… Ban đầu chỉ là một khối màu đen, giờ thì nhìn rõ bóng người đang quỳ gối, hai tay chắp trước ngực. Nhật vội tắt đèn pin. Cái quầng sáng leo lét từ chỗ công sự đủ để dẫn anh tới nơi cần tìm. Khi chỉ còn hai mét, anh đứng sững người sau cái bóng đen ấy. Trời ạ! Ngay thành công sự đặt một chiếc mâm nhôm, trên đó là một dĩa bánh kẹo, một dĩa muối gạo, ba cái chén, ba đôi đũa, ba ly nước ngọt, một xấp tiền vàng bạc, ba cây đèn cầy, mấy cây nhang đang cháy dở. Gì nữa đây? Người anh rung lên, hơi thở dồn dập.
Hình như linh cảm có người sau lưng, bóng đen vụt đứng dậy, quay phắt về phía Nhật. Hả? Thằng Huy!
- Đồng chí làm cái gì vậy? Tại sao đêm hôm lại ra đây cúng vái? Cúng ai? Vái cái gì? – Nhật quát, giọng đầy giận dữ - Đồng chí có biết bao nhiêu người đi kiếm mình không? Dẹp! Dẹp cái này ngay.
Nhật dợm bước tới định hất chiếc mâm thì Huy nhảy sang, giang tay chặn anh lại. Tiếng nói ứ nghẹn ở cổ:
- Anh Nhật… Anh để… cháy… hết nhang…
- Không được. Đồng chí là ai? Một quân nhân sao lại tin tưởng, cầu xin vào những thứ này chứ?
- Không phải đâu. Anh nghe em nói đi.
- Còn cãi hả?
Nhật vung tay định tát Huy, nhưng đã kịp dừng lại khi ánh đèn pin trên tay anh bật lên soi gương mặt đầm đìa nước mắt của người chiến sĩ. Và đột nhiên, Huy vội lau nước mắt, giọng nghiêm chỉnh, dứt khoát:
- Báo cáo đại đội trưởng! Tôi chưa hề làm sai bất cứ điều gì, cả điều lệnh của Quân đội cũng như quy định của đơn vị. Còn những gì tôi làm hôm nay tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Nhật bất ngờ trước thái độ của Huy, anh chưa hề gặp phải tình huống như vậy. Song, với cương vị chỉ huy, anh trấn tĩnh ngay, giọng rít qua kẽ răng:
- Đây là doanh trại Quân đội, tôi không cho phép đồng chí làm như vậy!
- Nhưng đây là chuyện cá nhân, đồng chí không cho tôi giải thích, không tìm hiểu lý do đã vội kết tội tôi. Tôi khẳng định, tôi không vi phạm như đồng chí nghĩ.
- Được. Đồng chí vào viết bản tường trình cho tôi.
- Rõ. Năm phút sau tôi sẽ viết bản tường trình.
Khi sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cận kề thì Huy mang bản tường trình lên nộp cho Nhật. Vẫn gương mặt nghiêm nghị và hình như có chút gì uất nghẹn ẩn hiện trên đó, Huy lặng lẽ trở về phòng. Bản tường trình viết nắn nót, không bị tẩy xóa, chứng tỏ chủ nhân của nó đã có sự chuẩn bị rất kỹ.
“Bản tường trình!
Người ta nói, chuyện đời nếu có lúc bắt đầu thì có hồi kết cuộc, có cánh hoa xinh tươi nào mà không nhạt phai cùng năm tháng, có cuộc vui nào mà chẳng chóng tàn. Vì lẽ đó, tôi xin bắt đầu bản tường trình này từ những đêm thức đợi giao thừa!
Năm đó tôi đang học lớp tám, sống với ông bà nội, tía má và em trai. Cuộc sống cả gia đình dựa vào mấy công ruộng. Thỉnh thoảng, tía má tôi đi thả lưới trên sông kiếm thêm thu nhập lo cho anh em tôi ăn học. Tôi nhớ rõ, sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu, tía quyết định đào đất ruộng lên liếp trồng dưa hấu bán tết. Tía nói trồng dưa cực lắm, nhưng nếu trúng thì lời gấp đôi làm lúa. Từ đó, ngày cũng như đêm, tía má tôi ở luôn cái chòi ngoài rẫy dưa, bắt từng con sâu, nhổ từng bụi cỏ và theo dõi từng bước lớn dần của nó.
Công sức tía má tôi bỏ ra cũng được đáp đền bằng những trái dưa hấu bự chảng cả chục ký. Nhưng thương lái đến mua trả giá thấp, tía ngồi nhẩm tính sau khi trừ chi phí thì giống như họ trả công. Tía nghĩ, họ mua đi bán lại kiếm lời, mình có sẵn sao không tự đem đi bán? Tía quyết định mướn chiếc ghe của chú Tư Hùng, chở cả ngàn trái dưa hấu ngược lên biên giới, vì đất cát trên đó khó trồng dưa, chắc chắn sẽ bán được giá cao. Tía má đi với thằng em, còn tôi ở nhà tiếp ông bà nội sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón tết. Tía còn nói năm nay nhà mình sẽ ăn tết lớn!
Ở nhà, ông bà nội dò hỏi thông tin biết năm nay giá dưa hấu tương đối cao, lòng phấn khởi lắm. Tôi thì mừng thầm, vì tía hứa sẽ mua cho tôi chiếc xe đạp để đi học.
Sắp đến giao thừa mà tía má vẫn chưa về. Bà nội cứ nhấp nhổm vô ra làm tôi thêm sốt ruột. Ông nội nói, chắc tại ngược nước nên ghe chạy lâu chớ tụi nó cũng sắp về tới rồi.
Tôi đợi mòn mỏi nên ngủ thiếp đi. Đến khi nghe tiếng bước chân chạy thình thịch ngoài đường, tiếng la hét, kêu gọi “Có ghe chìm ngoài đầu cồn Sơn” vang động trong đêm, tôi mới bừng tỉnh. Tôi chạy theo ông bà nội, chạy về hướng có những ngọn đuốc bằng lá dừa nước sáng rực một góc cù lao. Rất nhiều người đã ở đó. Người ta dùng xuồng máy, vỏ lãi chạy hối hả ra sông. Sông rộng mênh mông, tối mịt, chỉ có những ngọn đuốc sáng lung linh mặt nước. Bỗng đâu, từ ngoài sông có tiếng vọng vào: “Tư Hùng ơi! Ghe của mày chìm nè!”. Bà nội không đứng vững nữa, quỵ xuống nức nở khóc…
Bà con chia nhau đi tìm, cả thợ lặn nữa đến sáng cũng không được gì. Mấy ngày sau, xác ba người dạt vào đầu cồn. Tay tía nắm tay má, còn má thì ôm chặt thằng em tôi!
Nhà chật quá nên phải để tía má và em tôi nằm ngoài sân. Bà nội nằm liệt giường, chẳng thèm ăn uống. Bà không đủ sức gượng dậy để nhìn ba chiếc hòm ngoài kia. Ông nội gần như bất động, thỉnh thoảng nhìn tôi rồi quay đi giấu nước mắt. Tôi như người mất hồn, ngồi bên quan tài lạy trả lễ. Mấy bác lớn tuổi bàn luận rằng: Có lẽ trời tối nên tía tôi đã cho ghe chạy vào chỗ nước xoáy đầu cồn, chiếc ghe quay tròn rồi lật ngang. Chỗ đó nhiều ghe bị chìm rồi. Nếu ban ngày chắc không có chuyện gì xảy ra. Tôi đã hí hửng đón đợi một cái tết lớn nhất như lời tía nói. Mà lớn thiệt. Lớn đến mức không tưởng được. Đau đớn cũng không gánh nổi. Nước mắt cũng cạn luôn!
Từ đó, hễ vào đêm cuối năm, tôi với ông bà nội dọn cơm lên bàn thờ và thức đợi giao thừa. Tôi cũng nghỉ học ở nhà phụ ông nội làm ruộng, làm mướn kiếm tiền trả nợ phân bón mà tía má đã mua thiếu cái hồi trồng dưa hấu. Trả xong nợ tôi xin đi bộ đội. Ông nội nói, Quân đội sẽ rèn tôi cứng cỏi hơn để tôi có thể đủ sức vượt qua bão táp cuộc đời côi cút như ngày xưa tôi không gục ngã trước mất mát đau thương.
Đêm nay tôi không được về nhà thức đợi giao thừa cùng ông bà nội nên nhờ dì Hai bán căn-tin chuẩn bị dùm tôi. Tôi muốn lúc nào, ở đâu cũng có tía má và em tôi bên cạnh, để tiếp thêm cho tôi niềm tin, nghị lực mà đi tới. Tôi cũng không muốn mọi người bận tâm vì chuyện này. Tôi không dị đoan, không mê tín, nhưng tôi tin chắc những người thân ấy lúc nào cũng bên cạnh tôi, che chở tôi, nâng bước tôi trên mọi nẻo đường.
Những gì tôi trình bày là sự thật, không hề gian dối điều gì cả. Nếu thủ trưởng nghi ngờ có thể đi xác minh!”
- Chuyện xảy ra hồi nào?
- Sáu năm rồi - giọng Nhật nghèn nghẹn.
- Sáu năm? Vậy mà mày còn thuộc nguyên bản tường trình của thằng Huy?
- Đến bây giờ tao vẫn giữ mà! Nó ám ảnh tao, trở thành bài học trong đời tao - Nhật hít thật sâu, thở dài - Tao đọc đi đọc lại nhiều lần mà mỗi lần đọc là một lần thấm thía. Càng đọc tao càng thấy giận mình. Lẽ ra, tao không nên nóng giận với Huy mà phải nghe nó phân trần, giải thích. Cái thiếu sót của tao là một người chỉ huy lại không tìm hiểu tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của chiến sĩ mình. Tao xúc phạm đến điều thiêng liêng của nó, nghĩa là tao đang tự hạ thấp mình.
- Sau đó thì sao?
- Tao báo cáo với ban chỉ huy tiểu đoàn, đồng thời xin lỗi nó.
- Mày chỉ huy mà xin lỗi lính, không thấy quê hả?
Nhật tròn mắt nhìn tôi:
- Quê cái gì? Ai cũng vậy, hễ sai mà biết nhận lỗi là không có gì đáng xấu hổ cả. Ở đây không còn là chỉ huy hay lính nữa, mà là cái tình giữa con người với nhau. Mỗi người đều có cha mẹ để yêu kính, tôn thờ, Huy đã không có may mắn khi hứng chịu nỗi mất mát quá lớn lúc tuổi đời còn quá nhỏ. Tao và Huy, mỗi thằng đều có mặt đúng và không đúng riêng, nhưng nếu xét dưới góc độ chỉ huy thì cái sai của tao thật đáng trách.
- Nó có bị kỷ luật không?
- Ai lại đi kỷ luật một chiến sĩ có hoàn cảnh và suy nghĩ, hành động như vậy. Xét phải có lý có tình chứ. Hôm sau tao được cử thay mặt đơn vị chở Huy về nhà dự đám giỗ tía má nó.
- Ha ha… Câu chuyện mày kể hay thiệt, rất cảm động. Kết thúc có hậu nghen. Nè, có phải vì vậy nên từ một cán bộ quân sự mày chuyển sang làm chính trị?
- Tao cũng không biết. Mà hình như mày... không tin hả? Nếu mày ở lại đón giao thừa với đơn vị tao, mày sẽ gặp thằng Huy.
- Sao?
- Nó xuất ngũ rồi. Cưới vợ rồi. Nhưng năm nào cũng vậy, hễ màn bắn pháo hoa chào mừng năm mới vừa dứt là nó có mặt ở đơn vị. Mày dám ở lại không?
Tôi gật đầu cái rụp:
- Sợ gì chứ! Năm hết tết đến chả ai mướn xe tao chở hàng hóa gì. Vả lại, tao cũng muốn coi mặt mũi cái thằng viết bản tường trình… không giống ai ra sao. Mày cũng biết, số phận giữa thằng Huy với tao có những điểm giông giống, nếu không thì bây giờ tao cũng làm sĩ quan như mày rồi. Vì vậy nên tao nghĩ mày giỡn… Thôi, bỏ đi. Chúc mừng năm mới!