17 tuổi trốn nhà đi thanh niên xung phong
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên bà Bảng ở với anh chị. Năm 17 tuổi, trong không khí sôi sục lên đường tòng quân của bạn bè đồng trang lứa, bà Bảng đã trốn nhà đến gặp bí thư đoàn xã xin được kết nạp đoàn để đi bộ đội (quy định thời đó). Khi hành quân lên tỉnh, được mặc đồng phục bà mừng lắm. Nhưng dù đã lấy bộ size nhỏ nhất thì bà vẫn lùng nhùng trong áo; các chị lớn phải khâu lại cho vừa người...
Sau khi về Bắc Ninh rèn luyện 3 tháng, bà Bảng theo đơn vị TNXP tiến dần vào Nam. Vóc người nhỏ thó, vậy mà bà nhiều năm làm dân công mở đường, cùng đồng đội khiêng hòm đạn cả tạ, đường ống dẫn dầu đưa lên xe để vận chuyển vào Nam. “Lúc đó khó khăn là vậy nhưng chưa một lần tôi có ý nghĩ xin trở về quê. Nhiều năm thấy tôi nhanh nhẹn, nhiệt tình với công việc, lại biết chữ nên cấp trên đã hướng dẫn làm văn thư liên lạc...” - bà Bảng kể. Ở mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa, bà Bảng bị thương và hiện là thương binh 4/4.
“Chim sơn ca” của đơn vị
Chiến trường đối với bà Bảng không chỉ khói đạn mà còn những phút giây lạc quan, yêu đời khi vừa làm việc vừa véo von hát ca, được đồng đội ví như “Chim sơn ca” của đơn vị. Vào những năm tháng nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tuy “chưa thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát” nhưng nhờ tiếng hát của cô thanh niên Nguyễn Thị Bảng trong trẻo vang lên mà đồng đội thêm phấn chấn, làm tốt hơn công việc của mình. Tình cảm cô thanh niên gửi vào bài hát là tình yêu quê hương đất nước, căm thù giặc ngoại xâm và quyết chiến quyết thắng đã cuốn đồng đội vào quyết tâm đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bà Bảng kể: “Chị em trong đội làm mọi việc từ cứu thương, giao liên, mở đường đến vác đạn, vác ống dẫn dầu... dù rất vất vả, khó khăn nhưng không ai quản ngại gian khổ, luôn sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do dân tộc. Khi ấy, trên con đường Trường Sơn, mỗi tấc đất không chỉ thấm mồ hôi và máu của chúng tôi mà còn đượm tiếng hát để không một ai than vãn, yếu đuối mà chỉ thấy yêu đời và quyết tâm chiến đấu để giành thắng lợi”.
Biết bà hát hay nên thời gian qua, các cấp hội cựu chiến binh, hội cựu TNXP luôn cử bà tham gia văn nghệ dịp lễ, tết. Đó là thế mạnh, là niềm vui nên bà luôn nhiệt tình và vẫn là “Chim sơn ca” của đồng đội như năm nào.
Yêu thương đồng chí đồng đội
Đất nước giải phóng, sau thời gian an dưỡng tại Bắc Ninh, bà Bảng về làm việc tại Khu gang thép Thái Nguyên. Tại đây, bà gặp và nên duyên với anh bộ đội xuất ngũ và có với nhau 2 con 1 trai, 1 gái... Đến năm 1984, gia đình bà vào Minh Hưng lập nghiệp theo diện kinh tế mới, làm việc tại Công ty Cao su Bình Long. 10 năm sau, do sức khỏe yếu, công việc độc hại không phù hợp nên bà xin nghỉ chế độ.
Với tinh thần người lính, bà Bảng lại tích cực tham gia công tác xã hội, làm việc ở xã với chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã và Chi hội trưởng Chi hội nữ kháng chiến. Năm 2004, cấp trên muốn thành lập Hội Cựu TNXP xã nên động viên bà vào ban vận động, tập hợp những người từng tham gia TNXP vào hội. Nhận thấy đây là việc làm có ích, bà đã nhờ ban ấp rà soát rồi đến từng nhà, gặp từng người thuyết phục, tuyên truyền. Kinh tế khó khăn, địa bàn xã rộng, không có phương tiện đi lại nên bà đi bộ hết hẻm này đến ngõ khác để vận động đồng đội vào tổ chức hội. Có ngày đi bộ cả 5-7 cây số, đôi chân muốn rã rời nhưng nhận được nụ cười, niềm vui của anh chị em cựu TNXP nhận lời vào hội là mọi nhọc nhằn của bà như tan biến. Sau này sắm được chiếc xe đạp bà lại tiếp tục hành trình.
Bà còn tìm hiểu chủ trương, chính sách để hướng dẫn đồng đội làm thủ tục, giấy tờ, chủ động giúp chị em cô đơn, khó khăn... Là thủ lĩnh Hội Cựu TNXP xã, bà đã đưa hội không ngừng lớn mạnh, luôn là một trong những lá cờ đầu của Tỉnh hội; đông và mạnh nhất ở Chơn Thành với 58 hội viên. Riêng 38 nữ cựu TNXP còn góp mỗi người 1 triệu đồng/tháng để ai có nhu cầu thì vay không tính lãi.
Nhiệt tình, chịu khó lại sống tình cảm và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nên bà luôn được đồng đội, người dân tin yêu, cấp ủy, chính quyền địa phương tín nhiệm, tặng bằng khen, giấy khen. Với bà, còn sức khỏe còn tiếp tục làm điều có ích cho đồng đội, cuộc sống ý nghĩa hơn.