(QK7 Online) - Tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử, trở thành con đường huyền thoại, một biểu tượng của dân tộc anh hùng.
Trên đường Trường Sơn mỗi cung đường đều trở thành một mặt trận, đặc biệt ở các cửa khẩu, điểm vượt sông suối, các đoạn đèo, nơi địa hình trống trải, dễ bị chia cắt là những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Những khu vực này thường xuyên bị địch thả bom phá nát bờ, ngăn cản xe đi. Do đó, phương châm chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đường Trường Sơn là “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Bốn sức mạnh trong mở đường và giữ đường của Đoàn 559 nhanh chóng được đúc kết và phát huy là: Thuốc nổ phá đá, một phần cơ giới, lao động thủ công và cải tiến thiết bị, công cụ lao động”. Nhiều công cụ cải tiến ra đời đã nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian, giảm bớt sức người trong việc mở đường, san lấp hố bom. Đó là xe cút-kít làm bằng cây, đan thùng xe bằng tre nứa, là gầu xúc đất đá theo kiểu gầu tát nước, bệ đỡ để đưa đất đá vào thùng xe tải…
Khắc phục nhanh đường bị hỏng để nôi thông tuyến chi viện cho miền Nam
Không chỉ sử dụng các loại vũ khí hiện đại để đánh phá, Mỹ còn thường xuyên cải tiến công nghệ, bởi mỗi khi quân đội Mỹ sử dụng một loại vũ khí mới, bộ đội kỹ thuật của ta lại tìm cách “vô hiệu hóa” chúng. Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại vào tháng 10/1971 trong chuyến đi kiểm tra công tác chuẩn bị của các đơn vị ông suýt chết vì trúng bom cải tiến của địch. Đó là hôm đến kiểm tra tại binh trạm 12 trên đường 12. Trước khi cho xe đi kiểm tra, lực lượng công binh rà soát đường và phát hiện có một quả bom khoan sâu xuống đất, các đơn vị công binh cho xe phóng từ đi qua thì quả bom không phát nổ nên đoán là bom nổ chậm. Vì vậy, đoàn kiểm tra quyết định cho xe đi qua nhanh để tránh bom. Tuy nhiên, khi xe vừa đi qua thì quả bom phát nổ, ông bị thương nặng, bất tỉnh nhân sự còn đồng chí binh trạm trưởng hi sinh. Sau này mới biết, đó là bom từ trường Mỹ đã cải tiến lần 3 có cài chương trình hẹn giờ của ngòi nổ, lúc tắt, lúc mở, khi xe phóng từ đi qua đúng lúc ngòi nổ đang trong chế độ tắt nên bom không phát nổ, không phát hiện ra được.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Bộ đội Trường Sơn và nư thanh niên xung phong trên tuyến đường
Ông tiếp câu chuyện: Năm 1972, khi chúng ta tiến công giải phóng Quảng Trị, uy hiếp Huế thì cung đường đông Trường Sơn phía tây Huế, đoạn A Sầu, A Lưới bị địch đánh phá ác liệt, B52 của địch “rải thảm” tại đây nhằm ngăn cản quân ta vào tiếp tế cho chiến trường Huế. Lúc này lại vào trúng mùa mưa, đường trở nên lầy lội kinh khủng, 1 km đường có đến 800 m lầy, xe không thể nào qua được. Với quyết tâm “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, các lực lượng bộ đội Trường Sơn đã kiên quyết bám trụ, giành giật từng thước đường. Lực lượng công binh lấy đá, chặt cây chống lầy trên đường... tiếp tục tạo nên hợp đồng binh chủng, đảm bảo giao thông thông suốt, yểm trợ xe đi vào tiếp tế cho chiến trường và đưa thương binh đi cấp cứu.
Từ điểm khởi công Khe Hó và liên tục được phát triển trong suốt cuộc kháng chiến, đường Trường Sơn với tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả Đông và Tây Trường Sơn, qua các trọng điểm nổi tiếng: Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé, Xiêng Phan... Đường giao liên bộ dài hơn 3.000km, xuất phát từ Bãi Hà (Quảng Trị) đến Đông Nam bộ. Đường gùi thồ chủ yếu dựa vào đường giao liên bộ, có cải tạo để phù hợp với phương tiện gùi thồ. Đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.400km, được xây dựng vào tháng 6/1968 từ Khe Hó đến Lộc Ninh, gồm 46 kho với sức chứa 17.050 tấn, 113 trạm bơm đẩy và cấp phát.
Dù bị đánh phá ác liệt nhưng tuyến đường vẫn luôn hoạt động
Đường thủy lợi dụng các đoạn sông Xê Băng Hiêng, Xê Công, Mê Kông... để thả gạo, xăng theo dòng chảy hoặc vận chuyển hai chiều bằng ca nô, thuyền gắn máy. Dọc tuyến đường còn có hệ thống bảo đảm kỹ thuật, hệ thống kho tàng, bệnh viện quân y, hệ thống thông tin liên lạc với gần 1.350km đường thông tin tải ba, 14.000km đường thông tin hữu tuyến dây bọc. Trong quá trình xây dựng đường Trường Sơn, Đoàn 559 đã đào đắp khoảng 21 triệu m3 đất đá để làm đường, lấp hố bom bằng cả sức người và phương tiện cơ giới, làm 13.418m cầu, hơn 10.000 cống với 9,520 triệu ngày công.
Trong chiến đấu bảo vệ giao thông, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay, diệt 01 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 5 trung đoàn bộ binh, diệt 16.900 tên, bắt 1.190 địch, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự.
Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều con đường phục vụ kháng chiến nhưng con đường có ý nghĩa quyết định nhất là đường Trường Sơn. Con đường được vinh dự mang tên đường Hồ Chí Minh. Do địch đánh phá ác liệt, đường đi cũng không để độc đạo mà phải có nhiều trục, có đường vòng, đường tránh, đường nghi binh... Vì thế hình thành nên một hệ thống giao thông vĩ đại. Chiều dài đất nước Việt Nam hơn 1.000 km nhưng chiều dài đường Trường Sơn đến hơn 20.000 km, được thế giới mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Trên con đường này bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hóa tuyến Trường Sơn lấy mặt đường làm trận địa, vận dụng sáng tạo nghệ thuật Việt Nam vào đánh địch, mở đường, vận chuyển, đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.