Quyết hy sinh chứ không đầu hàng
Mở đầu cuộc trò chuyện, người cựu binh đanh thép nói: “Trận đánh ngày 03/5/1968 là một trận không cân sức. Giặc dùng 2 tiểu đoàn, xe tăng, máy bay, pháo,... Trong khi tiểu đoàn bên mình vừa chiến đấu xong, đang trong lúc hành quân trở về. Đạn dược, vũ khí đều không kịp bổ sung. Nhưng tinh thần chiến đấu của anh em rất dũng cảm. Đối đầu với kẻ thù mạnh như vậy, anh em quyết hy sinh chứ không ai đầu hàng”. Và hơn 100 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) anh hùng năm đó đã mãi mãi nằm lại mảnh đất Cầu Ván cho tới ngày nay. Đến nay, tên tuổi các chú, các anh đang được đồng đội tìm lại để thế hệ sau mãi mãi ghi ơn.
Địa danh Cầu Ván thuộc xã An Lục Long, là vùng đồng trống. Thời điểm đó, Tiểu đoàn 263 trên đường hành quân về Mỹ Tho đã dừng lại tại Gò Trâm Bầu, Cầu Ván, nơi có nhiều cây cối xung quanh. Đó là vùng dân cư thưa thớt và địch oanh tạc tự do.
Buổi sáng ngày 03/5/1968, sau khi phát hiện điểm đóng quân của bộ đội ta, giặc tổ chức đổ quân càn quét. Máy bay trực thăng, đầm già ném bom liên tục. Pháo kích từ Chợ Gạo, Mỹ Tho dội xuống như mưa. Kèm theo đó là 120 xe tăng chia thành từng nhóm nhỏ càn vào khu vực đóng quân của ta.
Đại đội 2 bám chặt trận địa, đẩy lùi từng đợt tấn công của địch. Mỗi lần xe tăng tiến sát đều gặp sự chống trả quyết liệt của ta. Địch vẫn liên tục bổ sung lực lượng, ném bom, pháo kích và nã đạn vào khu vực đóng quân của ta. Các chiến sĩ ta gặp rất nhiều khó khăn vì hạn chế về vũ khí, lại vừa trở về từ trận chiến khác. Các chú, các anh đã chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng. Không một ai dao động hay có ý định đầu hàng giặc.
Hầu hết CBCS Đại đội 2 hy sinh oanh liệt. 1/3 CBCS của Đại đội 1, 3, 4 hy sinh. Những cái tên như Bảy Tuấn (Đại đội trưởng Đại đội 2), Sáu Thành (Chính trị viên Đại đội 2),... sẽ luôn sống mãi trong lòng những đồng đội còn ở lại.
Câu chuyện về Đại đội trưởng Đại đội 2 - Bảy Tuấn vẫn được nhắc đến bây giờ như biểu tượng cho tinh thần kiên cường, dũng cảm của CBCS Tiểu đoàn 263. Sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, Đại đội trưởng Đại đội 2 - Bảy Tuấn bị bắt nhưng bọn địch không khuất phục được ông. Chúng bắn ông tại chỗ.
Tên cố vấn Mỹ đã gắn Huân chương Anh dũng bội tinh (Huân chương cao nhất của quân đội Mỹ) lên ngực ông như một cách bày tỏ sự cảm phục trước sự anh dũng của người chiến sĩ cách mạng. Hồ sơ di tích Khu tưởng niệm CBCS Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván, ngày 03/5/1968 có đoạn ghi: “Sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cách mạng đã làm cho quân thù khâm phục; đồng thời, gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt của CBCS Tiểu đoàn 263 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
53 năm duy trì lễ giỗ chiến sĩ trận vong
Sự hy sinh đó đã được người dân An Lục Long ghi nhớ. Sau khi trận chiến kết thúc, địch oanh tạc san bằng trận địa, người dân địa phương cùng lực lượng ta vẫn đến tìm kiếm, chôn cất từng CBCS hy sinh. Hàng năm, người dân địa phương duy trì lễ giỗ tập thể cho các chú, các anh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ông Phạm Văn Lựa, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Cầu Ván, xã An Lục Long, từng có dịp kể với chúng tôi: “Ngày đó, tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ cứ tới ngày giỗ là người dân lén làm con gà, con vịt nấu mâm cơm nho nhỏ đem ra góc bờ nơi có nấm mộ tập thể cúng các chú, các anh. Thời đó, chiến tranh loạn lạc. Giặc mà bắt được, chúng sẽ đánh chết nhưng dân mình vẫn giữ lệ cúng không sót một năm nào”.
Hơn 50 năm đã trôi qua, nhiều lần thay đổi địa điểm nhưng lệ cúng các chiến sĩ hy sinh trong trận Cầu Ván chưa gián đoạn một năm nào. Sau này, chính quyền địa phương xây dựng bia tưởng niệm 100 liệt sĩ Tiểu đoàn 263 anh dũng hy sinh trong trận Cầu Ván.
Lễ giỗ hàng năm đều do người dân và chính quyền địa phương cùng nhau tổ chức. Nói về điều đó, cựu chiến binh Huỳnh Văn Ly xúc động: “Tôi thật lòng biết ơn người dân ở Cầu Ván luôn nhớ tới anh em chiến sĩ đã hy sinh. Nhờ có người dân mà sự anh hùng của những người ngã xuống không bị lãng quên”.
Giờ đây, bia tưởng niệm 100 liệt sĩ Tiểu đoàn 263 anh dũng hy sinh trong trận Cầu Ván được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Khu tưởng niệm được xây dựng lại khang trang bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và sẽ là địa điểm giáo dục truyền thống ý nghĩa cho thế hệ trẻ, minh chứng cho tinh thần dũng cảm, anh hùng của cha anh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc.