Với anh, biết chơi nhạc là một chuyện, nhưng để trở thành nhạc công chuyên nghiệp là cả quá trình học hỏi, rèn luyện công phu. Muốn trở thành nhạc công solo đã khó, chơi trong ban nhạc lại càng khó hơn, bởi phải biết lúc nào nên chìm, khuất, làm nền, lúc nào nên nổi bật, mục đích chung là tạo được sự ăn ý, hòa quyện, nâng giọng của người hát lên. Và khi nhiều nhạc cụ bao gồm piano, violin, guitar arcord, guitar bass, organ, trống,… cùng lúc tấu lên một bản nhạc hòa quyện thì đó là cả một nghệ thuật, đòi hỏi trong đó có cả sự đồng cảm, chia sẻ và thấu hiểu nhau.
Khi lên sân khấu, phía trước là những nghệ sĩ, người nhạc công chưa bao giờ cho phép bản thân được lơ là, bởi nghệ sĩ ra sân khấu chịu rất nhiều áp lực, vừa ca, vừa diễn, vừa vũ đạo, vừa chú tâm nương theo bạn diễn. Bởi vậy, tiếng đàn của người nhạc công có nhiệm vụ dìu bước cho tiếng ca của nghệ sĩ, trong trường hợp ca bị rớt nhịp thì người nhạc công phải chú tâm lắng nghe để kịp đánh lại cho chắc nhịp. Một buổi biểu diễn thành công, ngoài đánh giá chất giọng của ca sĩ thì người nghe còn cảm nhận được sâu sắc giai điệu của bài hát. Để làm nên những giai điệu có hồn đó, có đóng góp không nhỏ của những nhạc công.
Trong hoạt động nghệ thuật, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức đã đóng góp nhiều trong thành tích chung của toàn đơn vị, đặc biệt năm 2015, trong Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc, anh hòa âm bài “Bà mẹ Gạc Ma” do ca sĩ Trung Kiên thể hiện đã giành được Huy chương Bạc. Năm 2018, tại Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quân, với ca khúc “Lính tân bình” do chính anh sáng tác đã đạt 2 Bằng khen của Tổng Cục chính trị và Bộ Tổng tham mưu và sáng tác hòa tấu nhạc khí “Âm vang miền Đông” được đánh giá cao.
Dẫu biết con đường trở thành nhạc công chưa bao giờ là điều dễ dàng, bắt đầu từ niềm đam mê, trưởng thành bằng sự khổ luyện và thành công từ những giọt nước mắt nhưng một khi đã yêu, đã say đắm thì khó lòng mà dứt được, nó đeo đẳng, lôi cuốn người ta mãi một đời.