Điện Biên hôm nay và một thời trong ký ức
Phát huy giá trị lịch sử của chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, cùng với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, tuyên truyền giáo dục, góp phần tiếp lửa truyền thống tới đông đảo người dân và du khách.
Nặng nghĩa tri ân
TP Điện Biên Phủ ngày đầu tháng 5, trời đổ mưa lất phất. Nhận lời mời đến tham quan bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hai cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa: Ông Nguyễn Hữu Chấp và ông Phạm Đức Cư (ở TP Điện Biên Phủ) đã ở tuổi 90 nhưng vẫn háo hức lên đường như một thuở cùng nhau ra trận.
Đứng bên bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong tiếng nhạc hào hùng “Chiến thắng Điện Biên” vang vọng, ông Phạm Đức Cư trầm ngâm khá lâu trước hình ảnh một chiến sĩ đang lấy thân mình chèn pháo. Còn ông Nguyễn Hữu Chấp xúc động bày tỏ: “Nhìn bức tranh, tôi rất nhớ các đồng đội đã chiến đấu hy sinh. Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn tái hiện được Chiến dịch Điện Biên Phủ qua bức tranh toàn cảnh như thế này là rất đáng quý. Chúng tôi được ôn lại lịch sử hào hùng của gần 70 năm trước, rất tự hào”.
Mới đây (ngày 13-3, đúng ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ), tỉnh Điện Biên tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Phát biểu trong buổi lễ khởi công, đồng chí Lê Thành Đô, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, bày tỏ: "Để có Điện Biên ngày hôm nay là bao xương máu, hy sinh của hàng nghìn chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân. Tiếp nối đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện lòng tri ân các AHLS đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương được xây dựng đền thờ liệt sĩ trên điểm di tích đồi F, thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ.
Có thể thấy, thực hiện Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030, các công trình được đầu tư xây dựng tại di tích lịch sử Điện Biên Phủ thời gian qua mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các AHLS; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước khi đến với Điện Biên.
Điểm hẹn du lịch
Hằng năm, gần đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đón rất nhiều đoàn du khách đến tham quan, du lịch. Vượt chặng đường hơn 500km bằng xe mô tô về với mốc 0 A Pa Chải, Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên), với anh Tạ Hồng Hải (34 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) là một trải nghiệm khó quên. Anh Hải chia sẻ: “Tôi đã biết về Chiến dịch Điện Biên Phủ qua sách, báo nhưng được lên Điện Biên, đến thăm đồi A1, cảm thấy rất tự hào. Không chỉ có cảnh đẹp mà mỗi tấc đất, mỗi di tích lịch sử là minh chứng hào hùng về tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc”.
Theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có nhiều điểm di tích lịch sử và các vùng sinh thái tự nhiên, đây là tiềm năng quý giá để khai thác và phát triển dịch vụ du lịch. Đặc biệt, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Điện Biên Phủ-Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch này với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch vùng Tây Bắc vào năm 2025.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch đặc trưng đang được tỉnh Điện Biên xây dựng, phát triển là: Du lịch lịch sử, văn hóa, tập trung khai thác giá trị lịch sử của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ và bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc Tây Bắc. Trong đó, giá trị cốt lõi là quần thể di tích chiến trường gắn với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thứ hai là du lịch sinh thái: Tham quan hệ sinh thái hồ Pá Khoang, rừng Mường Phăng, hang động Pa Thơm, sông Nậm Rốm... Đặc biệt, thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa đã được xây dựng và duy trì thành công, mang lại cho ngành du lịch diện mạo mới, làm thay đổi nhận thức, cách làm của đồng bào các dân tộc. Bằng chứng là đến thăm các bản văn hóa như: Mường Then, Noong Chứn, Mường Thanh... chúng tôi thấy nhiều gia đình đã cải tạo, nâng cấp nhà cửa, phục dựng lại một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, khôi phục các nghề sản xuất thủ công, xây dựng mô hình homestay để đón khách du lịch.
Trên cơ sở phát huy những lợi thế tiềm năng, ngành du lịch tỉnh Điện Biên đã đạt được những thành quả nhất định. Năm 2020, khách du lịch đạt hơn 900.000 lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.500 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử...
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống
Vừa qua, chúng tôi được tham dự buổi trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” của 90 học sinh Trường THCS Mường Thanh và THCS Him Lam tại đồi A1, do Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên tổ chức. Đúng như tên gọi, các em học sinh được hóa thân thành chiến sĩ Điện Biên với các hoạt động như: Đẩy xe đạp thồ, thi làm cơm nắm, hành quân thần tốc qua đồi A1; dâng hương, tuyên thệ trước các AHLS tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1... Ngoài niềm háo hức, vui tươi thì điều đọng lại là sự trưởng thành trong nhận thức của các em. Vừa thắp nén nhang tưởng nhớ các AHLS, em Nguyễn Trần Quỳnh Anh, học sinh Lớp 8C4, Trường THCS Mường Thanh, xúc động bày tỏ: “Qua chương trình trải nghiệm, em hiểu hơn những công việc, sự gian khổ, chiến đấu dũng cảm, hy sinh của các ông, các bác chiến sĩ Điện Biên năm xưa để chúng em có được ngày hôm nay”.
Được biết, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, năm 2020, Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên và Trung đoàn 82 (Quân khu 2) đã ký kết chương trình phối hợp “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, hai đơn vị thống nhất phối hợp trong công tác tuyên truyền, giới thiệu lịch sử; tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến tham quan học tập và trải nghiệm tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh; phối hợp bảo vệ, phát dọn vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường tại các điểm di tích và các hoạt động khác.
Bà Phạm Thị Thảo, Phó trưởng ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết: "Hiện nay, quần thể di tích chiến trường ĐBP có hơn 40 điểm di tích. Những năm qua, để phát huy giá trị lịch sử của di tích, được sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương, chúng tôi đã phối hợp với các nhà trường, lực lượng vũ trang trên địa bàn, đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế phong phú, như: Chương trình “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên”; triển lãm tranh, ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ; kể chuyện truyền thống tại trường học... Thông qua các hoạt động này giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về Chiến thắng Điện Biên Phủ, về những cống hiến, hy sinh của lớp người đi trước, từ đó có ý thức trách nhiệm hơn trong cuộc sống và tích cực phát huy, bảo vệ di tích, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn: qdnd.vn