Nỗ lực phát triển kinh tế
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tèo (SN 1962, quê ở tỉnh Vĩnh Long,) nhập ngũ năm 1981, thuộc Đoàn Quân sự 9901. Ông tham gia làm nhiệm vụ quốc tế bảo vệ nước bạn Campuchia đến năm 1985 thì xuất ngũ. Sau khi phục viên, ông công tác ở địa phương một thời gian rồi quyết định đến Long An lập nghiệp từ năm 1992. Tròn 30 năm gắn bó với vùng đất mới, ông và gia đình đã có cơ ngơi ổn định. Bản thân ông là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Theo lời ông Tèo, ở quê, ông cũng có một ít đất sản xuất được cha mẹ cho nhưng nhà có đến 5 miệng ăn, cuộc sống những năm ấy khó khăn, cơ cực vô cùng. Đến Long An lập nghiệp với hai bàn tay trắng, thiếu thốn trăm bề nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, vợ chồng ông chắt chiu dành dụm, vừa khai hoang, vừa mua thêm đất canh tác.
Đến nay, gia đình ông có hơn 5ha đất sản xuất nông nghiệp tại khu phố 3, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa. Nhiều năm gắn bó với ruộng đồng, ông Tèo nhận thấy nếu chỉ độc canh cây lúa thì sẽ không có lợi nhuận cao vì điệp khúc “được mùa, mất giá”. Do đó, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 2ha để trồng cây ăn trái như dừa, bưởi da xanh, ổi. Xung quanh diện tích này, ông nuôi cá, vừa để có thêm thu nhập, vừa cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Phần đất còn lại, ông trồng lúa cao sản ST25. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi bò, lấy phân bón cho cây nhằm tiết kiệm chi phí.
Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm; đồng thời, ông còn tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật do địa phương tổ chức nên việc sản xuất ngày càng thuận lợi. Hiện tại, mô hình vườn - ao - chuồng giúp gia đình ông có nguồn thu nhập khá. Không chỉ sản xuất giỏi, chí thú làm ăn, ông Tèo còn luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gương mẫu trong các phong trào, hoạt động của địa phương.
Ông Tèo luôn sống có trách nhiệm với gia đình, địa phương, được mọi người xung quanh kính trọng. Đối với ông, điều tự hào nhất cho đến bây giờ là giữ trọn phẩm chất của người lính Cụ Hồ và một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với người vợ hiền, con cháu ngoan ngoãn, vâng lời. Trong thời chiến cũng như thời bình, tinh thần người lính trong ông Tèo vẫn sáng mãi, xứng đáng là tấm gương để thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Cống hiến xây dựng quê hương
Đến ấp 3, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, hỏi thăm nhà ông Phạm Văn Bân thì rất nhiều người biết. Bởi, ông không chỉ là Trưởng ấp mà còn được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã 5 nhiệm kỳ. Trước đây, ông còn là ấp đội trưởng, rồi làm Bí thư Chi bộ ấp. Dù ở vị trí công tác nào, ông cũng phát huy phẩm chất người lính, sẵn sàng phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo địa phương đánh giá cao, nhân dân tin tưởng.
Nói đến quá trình công tác, ông Bân cho biết, ông nhập ngũ rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam từ năm 1982-1987. Hơn 5 năm quân ngũ đã tôi rèn cho ông tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn nỗ lực hết mình với các nhiệm vụ được giao. Khi quê hương cần, ông sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. May mắn trở về với cơ thể còn lành lặn, ông luôn tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với những người đã hy sinh vì nền độc lập hôm nay.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, trong vai trò trưởng ấp, ông Bân đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia, đóng góp cùng với địa phương. Bản thân ông và gia đình cũng gương mẫu chấp hành, tạo được niềm tin để mọi người làm theo. Song song đó, ông thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tình hình nhân dân để kịp thời tham mưu, kiến nghị với lãnh đạo địa phương quan tâm giải quyết.
Chủ tịch UBND xã Quê Mỹ Thạnh - Nguyễn Văn Phương nhận xét: “Ông Bân là trưởng ấp làm việc rất tận tâm, tận tụy, hết lòng vì cộng đồng. Bản tính của ông cũng vui vẻ, chân tình nên được nhiều người quý mến. Mỗi khi giao nhiệm vụ cho ông, địa phương đều rất an tâm. Với sự góp sức của ông, các công trình, phần việc của xã, ấp, nhất là các công trình xây dựng nông thôn mới thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đều đạt và vượt tiến độ”.
Được biết, những năm qua, ông Bân cùng chi bộ, ban ấp, các đoàn thể vận động người dân hiến đất, góp tiền xây dựng hàng chục công trình. Nổi bật là việc bêtông hóa 100% tuyến đường giao thông nông thôn và xây dựng hệ thống ống dẫn nước sạch cho người dân trong ấp. Bên cạnh đó, ông thường xuyên rà soát những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để vận động hỗ trợ kịp thời, giúp nhiều gia đình có điều kiện vươn lên, có cuộc sống ổn định.
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính Cụ Hồ tham gia chiến đấu năm xưa đều không còn trẻ nữa, sức khỏe suy giảm nhưng họ vẫn dốc sức cống hiến cho quê hương, viết nên nhiều câu chuyện đẹp giữa đời thường.