"Có một bài ca không bao giờ quên/ Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên...", từng câu chữ trong "Bài ca không quên" vang lên chảy trong máu thịt của từng người được thưởng thức đêm Hòa nhạc. Từng hàng ghế khán giả đã đứng lên, trong tay là lá cờ Tổ quốc như hòa cùng nhịp bài hát và hòa nhịp đập những con tim Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên chương trình “Bài ca không quên” ra mắt khán giả TPHCM, với hình thức hòa nhạc giao hưởng - thính phòng và được tổ chức ngoài trời. Du khách và người dân không chỉ có một đêm được thưởng thức những ca khúc đi cùng năm tháng được hoà âm phối khí theo phong cách giao hưởng, mà còn được tận hưởng những hiệu ứng trình diễn hình ảnh sắc màu, ấn tượng cho thấy quá trình oai hùng suốt 80 năm của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Suốt 80 năm hào hùng, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã ngã xuống để tạc nên "dáng đứng Việt Nam". Hàng triệu gia đình tiễn đưa những người con thân yêu ra chiến trường, dẫu biết rằng có thể họ sẽ mãi không trở về. Máu thịt của các anh đã hóa thành đất mẹ, linh hồn các anh hòa quyện cùng lá cờ đỏ sao vàng phấp phới. Tên tuổi các anh sống mãi trong từng nụ cười trẻ thơ, trong tình yêu của đôi lứa, và trong bước chân vững chắc của dân tộc trên con đường phát triển.
Báo Quân khu 7 ghi nhận một đêm hòa nhạc lần đầu tiên diễn ra tại TPHCM trong một ngày ý nghĩa của Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/2024).
Suốt 10 năm qua, “Bài ca không quên” chủ yếu diễn ra tại TP Hà Nội để phục vụ các sự kiện quan trọng của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 80 thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chương trình này lần đầu tiên được dàn dựng tại TPHCM, với không gian mở là phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Chương trình “Bài ca không quên” đêm 22/12 được kết cấu thành ba chương: “Tổ quốc trong tim”, “Bài ca không quên,” và “Vì nhân dân quên mình". Mỗi chương hình thành từ những ca khúc bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Mở đầu là nhạc cảnh “Lời thề non sông” do nhạc trưởng Lê Ha My cùng dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng trình diễn đã tái hiện lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1941. Ảnh: Giản Thanh Sơn.
Tiếp nối, “Chiến sĩ Việt Nam” và “Đoàn Vệ quốc quân” được biểu diễn bởi nhóm ca nam 135, NSƯT Phạm Thế Vĩ, hợp xướng SG Choir và các nhóm múa, mang đến không khí hào hùng của những ngày đầu kháng chiến.
Nhóm MTV đã để lại dấu ấn với các ca khúc như “Nam Bộ kháng chiến” và “Bước chân trên dãy Trường Sơn”.
Những bản ballad sâu lắng như “Chiến thắng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội” được thể hiện bởi dàn hợp xướng.
“Giai điệu Tổ quốc”, qua giọng ca nội lực của ca sĩ Viết Danh đã làm sân khấu như bùng nổ.
Tất cả khán giả đứng dậy hòa chung lời hát.
Các giai điệu quen thuộc của những ca khúc cách mạng, qua bàn tay tài hoa của những nhạc công và nghệ sĩ, đã được chuyển soạn một cách đầy sáng tạo cho piano, violon, cello, bộ gõ, dàn kèn đồng và dàn hợp xướng với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ.
Với sự đầu tư công phu và các màn trình diễn đầy cảm xúc của dàn nhạc và các sĩ, nghệ sĩ, “Bài ca không quên” đã khơi dậy những ký ức hào hùng và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ hôm nay.
Hơn 1,2 triệu anh hùng liệt sĩ đã hóa thân vào đất mẹ, để trời xanh mãi trong, để non sông mãi đẹp, và để mỗi bước đi hôm nay thấm đượm hồn thiêng dân tộc.
Phần kết chương trình, liên khúc “Tiến bước dưới Quân kỳ” và “Vì nhân dân quên mình” là điểm nhấn đặc biệt, kết hợp ánh sáng rực rỡ với sự góp mặt của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, chiến sĩ.
Hàng ngàn người dân theo dõi bên ngoài sân khấu chính.