(QK7 Online) - Đại tướng Lê Trọng Tấn, tên thật là Lê Trọng Tố sinh ngày 1/10/1914, tại thôn Nghĩa Lộ, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Hai cụ thân sinh được 7 người con, 5 trai, 2 gái. Sau khi cụ ông qua đời, cậu bé Lê Trọng Tố vừa tròn 7 tuổi, cái tuổi đầu tiên cắp sách tới trường, gia đình thiếu thốn, hoàn cảnh khó khăn, lam lũ vất vả. Mặc dù rất chịu thương, chịu khó nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình và quê hương. Quê ông có 4.593 nhân khẩu, nạn đói năm 1945 đã chết đói gần một nửa. Lớn lên trong nỗi đau của quê hương và gia đình đã giúp Lê Trọng Tố sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.
Ba vị tướng Hoàng Đan, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp (lần lượt từ trái sang).
Ảnh: Tư liệu
Năm 1944, tham gia địch vận, hoạt động tại Hoàng Mai, Hà Nội. Tháng 3/1945, là Ủy viên Ban Khởi nghĩa Hà Đông; ông được phân công về tuyên truyền, vận động, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang tại Ứng Hòa, La Khê, La Cả mà lực lượng chính là nhân dân, du kích Quảng Nguyên, Quảng Phú Cầu. Ông tổ chức diệt bốt Đồng Quan và giành thắng lợi trận đầu tiên. Tháng 12/1945, ông được kết nạp vào Đảng. Những trận đánh hay, thắng lợi giòn giã của Hà Đông đều do ông tổ chức cho từng trận, vừa củng cố, vừa xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh và xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Nạn đói năm 1945, ông tổ chức phá kho thóc, chia gạo cho nhân dân Do Lộ. Sau đó tổ chức cướp chính quyền ở Hà Đông. Tiếp đó, ông được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trên chiến trường…
Lê Trọng Tấn, còn có tên gọi là tướng Ba Long, đơn vị gọi ông là tướng trận, tướng tấn công, một dũng tướng tài năng, đức độ của Quân đội. Các nhà khoa học của quân đội các nước anh em kính nể, học tập ông về tài năng đức độ và tầm chiến lược, chiến thuật. Ông có tầm nhìn đánh giá đúng tình hình, biết địch, biết ta, không trận nào đánh giống trận nào, đó là tài năng của người chỉ huy. Ông là hình mẫu của “quân lệnh như sơn”, thẳng thắn, nghiêm túc, bao dung, biết đánh nhưng cũng biết dừng để bảo toàn lực lượng. Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ do ông chỉ huy đều đoàn kết, một lòng, tin tưởng vững tâm vào tài năng, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán của ông. Kẻ thù nghe tin tướng Ba Long chỉ huy chiến dịch nào là sợ hãi, hoảng loạn, co cụm, bạc nhược và tê liệt sức chiến đấu. Đó là cái uy của một dũng tướng.
Sau ngày tổ chức cướp chính quyền ở Hà Đông, ông được giao làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La. Năm 1949, ông chuyển sang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sông Lô, đã tổ chức đơn vị đánh và giành thắng lợi giòn giã trong chiến dịch Biên giới. Năm 1950, chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, thành lập Đại đoàn 312. Cùng với Quân đội Nhân dân Lào, ông trực tiếp làm chỉ huy trưởng Liên quân Việt – Lào, tổ chức đánh ở Thượng Lào, Hạ Lào, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Cánh Đồng Chum, giải phóng và xây dựng chính quyền cách mạng Nhân dân Lào. Ông đã để lại dấu ấn tốt đẹp cho Quân đội Nhân dân các bộ tộc Lào anh em.
Như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thương nhau, mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà/Cửu Long. Quân đội và Nhân dân các Bộ tộc Lào anh em mãi mãi ghi sâu công lao to lớn của tướng Lê Trọng Tấn. Ông đã có mặt ở hầu hết các chiến trường nóng bỏng và đã chỉ huy hàng trăm trận đánh trong hai cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Dấu ấn hai mốc son lịch sử của ông năm 1954 là Đại đoàn trường 312 chỉ huy tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử, đánh phía Đông và Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát.
Năm 1975, ông là Tư lệnh, chỉ huy các binh đoàn đánh phía Đông và Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Hai trận đánh, hai mốc son lịch sử, đã kết thúc hai cuộc chiến tranh với quân đội viễn chinh Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Mở ra kỷ nguyên mới, hòa bình thống nhất độc lập và tự do của dân tộc. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Hai trận đánh, xứng đáng hai lần anh hùng”.
Lê Trọng Tấn, người chỉ huy kiệt xuất của Đại đoàn quyết thắng 312. Vinh dự cho ông được hai lần nhận Huân chương Hồ Chí Minh do tài năng đức độ, kinh nghiệm và sự đúc kết thực tiễn. Ông được giao nhiệm vụ là Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân; Giám đốc Học viện Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội. Ông là biểu tượng của 6 nội dung Bác Hồ dạy: Chí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung. Năm 1986, Đại tướng Lê Trọng Tấn qua đời; nhà tưởng niệm ông đặt tại thôn Nghĩa Lộ, Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Hà Nội có con đường mang tên Lê Trọng Tấn – danh nhân lịch sử Việt Nam – Một nhân cách lớn – một nhà khoa học quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Phạm Như Hùng