Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có báo cáo tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 1/2025 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Theo VSA, triển vọng thị trường thép bước vào những ngày đầu năm 2025 chưa có dấu hiệu tích cực chắc chắn. Bên cạnh đó, tháng 1/2025 trùng với cả hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài, nhìn chung tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong giai đoạn này giảm so với tháng 12/2024 và so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 1/2025, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 950.000 tấn thép các loại
Trong tháng 1/2025, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 950.000 tấn thép các loại, giảm 39% so với tháng 12/2024 và giảm 36% so với cùng kỳ năm trước về lượng. Giá trị nhập khẩu trong giai đoạn này đạt hơn 691 triệu USD, giảm 36% so với tháng trước và giảm 35% so với cùng kỳ năm 2024.
Thép cuộn, thép tấm, thép mạ kẽm, thép thanh và dây thép… là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ các thị trường Trung Quốc (56,56%), Nhật Bản (16,21%), Hàn Quốc (10,88%), ASEAN (8,57%) và Đài Loan (6,64%).
Năm ngoái, lượng sắt thép nhập từ Trung Quốc gia tăng đột biến. Cụ thể, nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc với trị giá đạt 12 tỷ USD, tăng 32,2% (tương ứng tăng 2,93 tỷ USD) so với năm 2023. Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30 - 70 USD tùy từng loại sản phẩm.
Điều này xuất phát từ thực tế, Trung Quốc vẫn đang "thừa thép", tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.
Về tình hình xuất khẩu, trong tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 919.000 tấn thép, tăng 26% so với tháng 12/2024 nhưng giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 611 triệu USD, tăng 15% so với tháng trước nhưng giảm 26% so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong tháng 1/2025 là khu vực ASEAN (28%), khu vực EU (21%), Mỹ (14,1%), Đài Loan (5,2%) và Australia (5%).
Do thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ nhập khẩu tràn lan vào năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra sản phẩm này, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Mới đây, cơ quan này đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo đó, hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế 19,38 - 27,83%, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi ban hành và áp dụng trong vòng 120 ngày.
Sau khi áp thuế chống bán phá giá tạm thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập, xác minh thông tin. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời được xem là biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành thép nội địa, trước áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu giá rẻ.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, đảm bảo các biện pháp phòng vệ thương mại được thực hiện minh bạch và công bằng, tạo điều kiện cho ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững.
Thúy Hà