Tháng 12-2010, lần đầu tiên tôi được gặp Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng ấy khi được giao phụ trách tuyên truyền trong dịp kỷ niệm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Hồi đó, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn rất khỏe, minh mẫn. Cùng với những kỷ niệm của chính bản thân, ông còn nhiệt tình giới thiệu và kết nối cho tôi được gặp nhiều nhân chứng quan trọng từng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
Nhân duyên “đối ngoại”
Tốt nghiệp tú tài Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An) năm 1944, lại giỏi tiếng Pháp nên Vũ Xuân Vinh nhanh chóng hòa nhập với cuộc kháng chiến khi được cử đi học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1. Năm 1954, trong đội hình Đại đoàn 308, ông có mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, tháng 7-1954, trong khi ở Geneva (Thụy Sĩ) phái đoàn ta bước vào cuộc đấu trí trên bàn đám phán tại Hội nghị Geneva thì ở trong nước, Hội nghị Quân sự Trung Giã bàn về trao trả tù binh và việc thực thi Hiệp định Geneve cũng diễn ra.
Tham mưu trưởng Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 Vũ Xuân Vinh được cấp trên tin tưởng cử làm sĩ quan liên lạc kiêm thư ký trong phái đoàn của ta do đồng chí Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Nhận xét về ông, cố Đại tá Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ, là phiên dịch tại Hội nghị quân sự Trung Giã từng nói: “Anh Vinh là người quân sự, được đào tạo bài bản lại kinh qua thực tế chiến đấu nhưng khi làm công tác ngoại giao cũng rất chuyên nghiệp. Ngay từ những ngày ấy, tôi đã tin rằng sĩ quan liên lạc Vũ Xuân Vinh sau này sẽ phát triển theo con đường ngoại giao”.
Cục trưởng Cục Đối ngoại Vũ Xuân Vinh trong một lần cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng tiếp khách. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
Phải hơn 20 năm sau, lời “tiên đoán” của nhà ngoại giao lão thành Lưu Văn Lợi mới trở thành hiện thực. Bởi khi hoàn thành nhiệm vụ tại Hội nghị Quân sự Trung Giã, Vũ Xuân Vinh trở lại đơn vị, được cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh, rồi sang Liên Xô đào tạo chuyên ngành tên lửa. Ông giữ nhiều cương vị quan trọng ở các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). “Chiến dịch Hà Nội, Điện Biên Phủ trên không” kết thúc thắng lợi có phần đóng góp không nhỏ của Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ Vũ Xuân Vinh trong vai trò chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, xây dựng tập tài liệu mang tên “Cuốn sách đỏ”-Cẩm nang về cách đánh B-52 của Bộ đội PK-KQ.
Nhớ lại những năm tháng ấy, Đại tá Nguyễn Xuân Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ (sống tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), một thành viên tổ biên soạn cuốn sách kể: “Nhiệm vụ rất khẩn trương, anh Vinh chỉ đạo chúng tôi rất sát sao đồng thời yêu cầu tổ tranh thủ ý kiến của các chuyên gia Liên Xô và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng. Kết quả áp dụng thực tế thành công, Bộ tư lệnh Quân chủng tiếp tục giao cho anh phụ trách “gánh hát rong” đến huấn luyện bổ sung cho các đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trên giao trong thời gian gấp rút như vậy có đóng góp không nhỏ của đồng chí Vũ Xuân Vinh”…
“Chuyên môn tốt chưa đủ mà còn cần phải giỏi”
Trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng có lẽ để lại nhiều dấu ấn nhất là khoảng 15 năm trước khi nghỉ công tác, trên cương vị là Cục trưởng Cục Liên lạc đối ngoại (nay là Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, đồng chí Vũ Xuân Vinh đã cùng tập thể Đảng ủy, Thủ trưởng Cục, lãnh đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ đối ngoại quân sự, góp phần củng cố tình hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Đối ngoai quốc phòng đã cùng hoạt động đối ngoại của cả nước khẳng định, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngược dòng lịch sử trở lại những năm 80 của thế kỷ trước, khi đồng chí Vũ Xuân Vinh nhận nhiệm vụ mới cũng là thời điểm đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn và thử thách. Hai cuộc chiến tranh biên giới đồng thời xảy ra, nhiều nước chưa thể hiện rõ quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ Việt Nam; Cục Liên lạc đối ngoại đang trong lộ trình thực hiện Đề án kiện toàn xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại quân sự giai đoạn 1980 -1985… Những điều này đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với cá nhân Cục trưởng Vũ Xuân Vinh và ngành. Thế nhưng với bản lĩnh của người đứng đầu cơ quan tham mưu chiến lược của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại, đồng chí Vũ Xuân Vinh đã nhanh chóng đưa mọi việc vào quỹ đạo, góp phần khẳng định vị trí trọng yếu của ngành đối với công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Hình ảnh Cục trưởng Vinh mỗi khi tiếp đoàn khách quốc tế thường kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên Phủ, chuyện quân và dân ta đánh thắng siêu pháo đài bay B-52 của Mỹ ra sao hay những câu chuyện về đối ngoại quốc phòng qua các thời kỳ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các cán bộ trẻ mới về đơn vị. Khi được giao nhiệm vụ phiên dịch lời kể của Cục trưởng Vũ Xuân Vinh cho bạn, nhiều khi gặp thuật ngữ “bí”, họ lại được thủ trưởng nhắc khéo bằng một từ tiếng Pháp.
“Qua những câu chuyện như thế có nhiều thuận lợi cho chúng tôi trong khi làm nhiệm vụ sau này. Ôn lại lịch sử, Thủ trưởng Vinh đã truyền đi thông điệp, những việc mà thế hệ đi trước đã làm được, thì chúng tôi cũng như lớp sau này có trách nhiệm tiếp nối, thực hiện tốt hơn”-Thiếu tướng Lê Văn Cầu nguyên Phó cục trưởng Cục Đối ngoại đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Trung tướng Vũ Xuân Vinh
Đương thời, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đặc biệt quan tâm đến xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đề án đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt, từ năm 1980, ngoài gửi cán bộ đi đào tạo ở trường Đại học Ngoại giao và nước ngoài, tướng Vũ Xuân Vinh đã chỉ đạo tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại. Những đồng chí đã biết một ngoại ngữ thì học thêm ngoại ngữ thứ 2, 3. Hình ảnh trong sân khu làm việc ở số 33 Phạm Ngũ Lão, các cán bộ của cục mỗi người trên tay cầm cuốn sổ nhỏ ghi ngữ pháp, từ vựng, vừa đi vừa lầm nhẩm đọc từ vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của Thiếu tướng Lê Văn Cầu.
“Thủ trưởng Vinh luôn nêu cao quan điểm, chuyên môn tốt chưa đủ mà còn cần phải giỏi. Bản thân ông dù đã rất thông thạo tiếng Pháp và tiếng Nga nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông ngừng học. Trong phòng làm việc của ông thường xuyên được bổ sung những xuất bản phẩm mới bằng hai thứ tiếng này!”.
Nhiều đồng chí từng công tác dưới thời Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đều có chung cảm nhận, đó là một vị tướng quyết đoán, đồng thời cũng là nhà ngoại giao xuất sắc. Những năm ấy, đối ngoại quân sự của ta là phải tập trung cao độ để xây dựng mối quan hệ toàn diện với Liên Xô. Và ta đã làm tốt. Tuy nhiên, khi Mỹ và các nước phương Tây tiến hành cấm vận, Việt Nam đã phải đối diện với những khó khăn lớn. Theo yêu cầu của trên, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đã tham mưu từng bước thực hiện công tác ngoại giao, tiến tới dần xóa bỏ sự cấm vận này. Đề xuất của Cục Đối ngoại là mở đột phá trong quan hệ với Ấn Độ-một nước lớn ở châu Á; sau đó là Indonesia ở Đông Nam Á.
Và đúng như tham mưu của Cục Đối ngoại, việc lựa chọn hai nước trên là phù hợp. Kết quả đạt được đúng như dự kiến. Dần dần ta tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế, các nước trong khu vực bắt đầu xây dựng mối quan hệ quốc phòng với ta như Singapore, Thái Lan… Cũng chính thời kỳ công tác của Trung tướng Vũ Xuân Vinh cho đến năm 1995, đối ngoại quốc phòng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bắt đầu từ việc chuyển từ vấn đề POW (tù binh mất tích) sang MIA (mất tích) hay những vấn đề nhân đạo như chương trình phẫu thuật nụ cười, được thực hiện những ca đầu tiên ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…
SONG THANH
Nguồn: qdnd.vn