Việc một loạt siêu thị ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội dùng lá chuối, lá dong bao gói thực phẩm thay cho túi nilon và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư biểu dương đã khơi động sự quan tâm của xã hội đến những biện pháp hạn chế, ngăn ngừa nạn xả rác thải nhựa nói chung và túi nilon nói riêng ra môi trường.
Có một thực tế đáng ngại là trên những hè phố, đường làng, bờ ruộng, ao hồ, sông ngòi, bãi biển, đường mòn trên núi…, đâu đâu cũng có túi nilon, ống hút, bình sữa, vỏ chai nước… bằng nhựa. Có nơi là tràn ngập, có nơi là những bãi rác khổng lồ. Không thể sống chung với thứ rác thải nguy hại đến môi trường hàng trăm, hàng nghìn năm. Thiệt hại về môi trường, đồng thời cũng là thiệt hại về sức khỏe, chất lượng sống và kinh tế, văn hóa, du lịch cả hiện tại, trước mắt và lâu dài.
Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc tìm những biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu các phế thải nói chung và nilon nói riêng. Khi mổ xẻ so sánh lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn từ nhập khẩu rác thải nhựa sạch hơn so với thứ nhựa và nilon nhiều tạp chất từ các nguồn thu gom trong nước cho thấy nếu việc phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ được thực hiện ngay từ mỗi gia đình, xóm ngõ thì việc tận dụng rác thải để tái chế sẽ thuận lợi và đưa lại giá trị kinh tế cao hơn. Và nếu như ngóc ngách phố phường, làng xóm nào cũng có những thùng rác hai ngăn, nếu như người dân nào từ già đến trẻ đều có ý thức, thói quen đổ rác đúng quy định thì sẽ tạo thành cơ sở xã hội cho một nền kinh tế tuần hoàn đưa rác thải thành nguyên vật liệu.
Rộng ra, nước thải, phế thải vật liệu, tro và xỉ than hay rơm rạ… đều đang được các nhà quản lý và các nhà khoa học nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để biến thành thứ có ích.
Thái độ đối với rác thải nói riêng và ứng xử với môi trường nói chung một cách trách nhiệm và khoa học đang nảy nở, lan truyền trong xã hội như một giá trị mới, lối sống mới. Cũng như sự hoan hỉ trước những tàu lá gói thực phẩm, người dân ta đã hào hứng, nâng niu và ủng hộ những tốp thanh niên tình nguyện đi dọn dẹp rác trên bãi biển, bờ sông, sẵn sàng chung tay trồng cây, trồng hoa trên đường phố, đường làng… Các nhà trường, doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm hậu thuẫn và giúp đỡ cho các nhà nghiên cứu và tuổi trẻ thực hiện những đề tài về môi trường. Những dự án môi trường, những dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được khuyến khích, tạo điều kiện. Và trào lưu sống xanh đang nở rộ, tràn đi trên nhiều vùng đô thị, nông thôn. Bảo vệ môi trường đang và phải trở thành đạo lý, lẽ sống của dân tộc Việt Nam hiện đại, văn minh. Sức sống mới là đây, hình ảnh đất nước là đây và thế mạnh hội nhập quốc tế cũng từ đây.
Anh Nguyễn
Nguồn: qdnd.vn