Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.
Báo cáo do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam chủ trì, hợp tác với đơn vị tư vấn là Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) thực hiện.
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án đốt rác phát điện này sẽ được triển khai tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước trên diện tích khoảng 9 ha.
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày nằm ở phía Tây Nam của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Dự án sẽ bao gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm một tổ hợp với 2 lò đốt công suất 750 tấn/ngày/lò. Với công suất dự kiến, dự án sẽ tạo ra khoảng 46,06 MW điện sau khi trừ điện tiêu thụ nội bộ.
Tổng mức đầu tư của dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước khoảng 420 triệu USD (10.080 tỷ đồng). Trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 30%, vốn vay ngân hàng chiếm 70%.
Theo dự kiến, nhà máu đốt rác số 1 sẽ được đưa vào hoạt động từ quý 3/2026; nhà máy đốt rác số 2 sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2027.
Được biết, dự án đốt rác phát điện nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước đã được quy hoạch chức năng. Theo quy hoạch, khu vực này thuộc phía Nam nội thành TP.HCM, trên trục quốc lộ 50 đi Cần Giuộc, tỉnh Long An và nằm tách biệt với khu dân cư tập trung xung quanh.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trung bình mỗi ngày, TP.HCM tiếp nhận 10.000 tấn chất thải sinh hoạt, 2.500-3.000 tấn chất thải công nghiệp, 1.500 tấn chất thải xây dựng và hàng trăm tấn chất thải nguy hại.
Mới đây, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đã gặp gỡ cử tri quận 4, quận 7, và huyện Nhà Bè trước kỳ họp Quốc hội thứ 7. Tại đây, một trong những vấn đề được người dân quan tâm là việc xử lý bãi rác Đa Phước.
Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết bãi rác này đưa vào hoạt động năm 2006 đến nay đã vượt công suất, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại quận 7 và huyện Nhà Bè.
Giải pháp của TP.HCM là chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt phát điện, không chỉ ở bãi rác Đa Phước mà ở những bãi rác khác. Theo đó, TP.HCM sẽ chuyển 80% rác sang công nghệ đốt phát điện vào năm 2025, và sau 2025, sẽ hoàn toàn đốt phát điện, bao gồm cả bãi rác Đa Phước.
Thiên An