Để chủ động phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh ĐMK, ngành Quân y Quân khu đã kịp thời hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu.

Triệu chứng bệnh Đậu mùa khỉ (ảnh từ Internet)
Chẩn đoán và điều trị
Đối với ca bệnh thuộc diện nghi ngờ có 1 hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh ĐMK trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng. Có bệnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.
Khi đã xác định nhiễm bệnh là có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với virus ĐMK. Ngoài ra khi xuất hiện các triệu chứng sốt, phát ban, hạch to, cần chẩn đoán với các bệnh sau: Đậu mùa (smallpox); Thủy đậu (Chicken pox); Herpes lan tỏa; Tay chân miệng.
Đối với ca mắc bệnh ĐMK, ở thể nhẹ chủ yếu điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng, bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải. Theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức. Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.
Đối với thể nặng, cần cách ly ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành. Hoặc điều trị bằng thuốc đặc hiệu khi có chỉ định của bác sĩ.
Bệnh ĐMK có thể gây ra một số biến chứng thường gặp như: Nhiễm trùng thứ phát; Viêm phổi nặng, suy hô hấp; Nhiễm trùng giác mạc kèm mất thị lực; Mất nước nghiêm trọng, rối loạn điện giải và sốc; Áp xe hầu họng; Nhiễm khuẩn huyết; Viêm não, tỉ lệ tử vong 11% ở người không tiêm vắc xin.
Các biện pháp phòng, chống dịch ĐMK trong LLVT Quân khu
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ĐMK hiệu quả, các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ nắm vững thông tin về bệnh ĐMK, trọng tâm là mầm bệnh, đường lây, các biểu hiện lâm sàng.

Quân y các đơn vị thường xuyên phun khử khuẩn khu vực doanh trại.
Quân y các đơn vị chủ động giám sát phát hiện sớm ca nghi nhiễm bệnh ĐMK; đặc biệt chú ý đến các trường hợp đi công tác, lao động, học tập từ vùng có dịch trở về. Trường hợp phát hiện ca bệnh, ca nghi ngờ mắc ĐMK phải tổ chức cách ly, điều trị kịp thời, khử khuẩn ổ dịch; tiến hành truy vết các trường hợp tiếp xúc gần để cách ly theo quy định; báo cáo ngay thông tin ca bệnh lên quân y cấp trên.
Các bệnh viện Quân khu tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị cho nhân viên để chủ động, sẵn sàng thu dung điều trị người mắc bệnh ĐMK. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế...