Nay con gái cất nhà trong thành phố Hồ Chí Minh cũng là dịp chú quay trở lại thăm miền Nam, thăm Địa đạo Củ Chi nơi đã từng chiến đấu. Một buổi chiều cuối năm, tôi ghé công trình đang thi công của chị Hiền – con gái chú Huỳnh. Vừa thấy tôi chị Hiền vui vẻ lên tiếng:
Bố ơi, có người tìm bố hỏi chuyện thời trai trẻ này!
Ai đấy? Chú lên tiếng giọng sang sảng và ngó cổ ra.
Trước mắt tôi chú Huỳnh mái tóc điểm bạc, dáng cao ráo nhưng không còn ngay ngắn. Chắc do tuổi tác. Tôi đoán thế. Tôi thường hay tự huyễn hoặc để đánh giá vẻ ngoài của một người khi gặp mặt. Chú Huỳnh cắt ngang dòng suy tưởng của tôi bằng câu nói:
Vào chơi cháu. Cháu là bạn của Hiền à?
Vâng. Bạn con đấy nhưng em này thích nghe chuyện thời trai trẻ của bố. Chị Hiền vui vẻ thêm vào và không giới thiệu lý do cuộc gặp để chú thật tự nhiên như vốn có.
Một căn phòng 30m2 chị Hiền thuê tạm để ở trong thời gian sửa nhà. Đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp nhưng có lẽ diện tích 30m2 nào là tủ lạnh, ti vi, giường nên không gian tiếp khách chỉ còn lại vừa một cái bàn con và cái ghế cho tôi ngồi. Chú Huỳnh ngồi trên giường. Tôi chưa kịp mở lời thì chú Huỳnh tiếp:
Không gian thế này có mà thêm anh chàng nữa thì hay cháu nhỉ?
Chả là chị Hiền con gái chú đã ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình. Tôi mỉm cười đáp:
Cháu cũng thế mà. Chú lo làm gì. Thế hệ bọn cháu suy nghĩ hơi khác.
Ừ. Thì nói thế chứ chú cũng nào có thúc ép. Đâu như thời các chú.
Nghe tới đây tôi tiếp lời chú ngay để đi đúng mạch câu chuyện:
Vâng. Thế này xưa chú lấy cô là trước khi vào ra chiến trường hay là sau khi giải phóng ạ?
Đâu. Cưới hai mươi ngày mới vào bộ đội đấy. Ngày ấy các cụ cứ thấy con chuẩn bị đi bộ đội là làm đám cưới.
Ngập ngừng một lúc. Giọng chú Huỳnh có vẻ trầm xuống:
Thế chứ ngày ấy tội các bà ấy – cách xưng hô của những cặp vợ chồng miền Bắc ở quê khi đã về xế chiều. Chú vừa cưới cô xong – là mẹ chị Hiền bây giờ đấy thì chị Nga hàng xóm nghe tin báo tử chồng hy sinh ngoài chiến trường. Đêm đến nghe tiếng khóc thút thít nhà hàng xóng, chú không cầm lòng được.
Tới đây tôi đã hiểu phần nào từ “tội” mà chú Huỳnh nói ban nãy.
Chắc là dùng dằng chẳng muốn đi chú nhỉ? Tôi tiếp lời.
Ôi. Bà Xuân nhà chú mẹ chị Hiền nghe nhà bên cạnh khóc cũng thút thít. Bà ấy bảo:
Không biết rồi em sẽ thế nào?
Thế lúc đó chú thế nào ạ? Tôi hỏi.
Bận tâm gì sống chết. Cả làng đi kháng chiến. Mà cả miền Bắc chi viện cho miền Nam. Làng chú làm gì còn thanh niên trai tráng. Mình tới tuổi thì ra chiến trường chứ. Còn sống chết thì ai nói được. Có lệnh là đi.
Cái nắng tháng 11 pha chút se lạnh cuối năm giường như tươi giòn và hừng hực khí thế hơn qua câu chuyện của chú Huỳnh. Đúng mạch cảm xúc chú kể tôi nghe câu chuyện ngày chú chia tay vợ để bắt đầu cuộc hành trình từ ga Phú Thọ ra ga Hà Nội. Từ ga Hà Nội vào ga Vinh – Nghệ An. Di chuyển theo binh trạm. Mỗi ngày đi bộ 30 km. Chỉ đi ban đêm. Ngày nghỉ ở rừng, chặt lá cây để tránh giặc phát hiện. Bếp Hoàng Cầm là thiết bị nấu nướng. Khẩu hiệu “nói không to, ho không tiếng, đun không khói” ai ai cũng thuộc. Bữa nào ngon lắm thì có món cá khô nấu lá bứa. Thứ lá rừng chua chua. Tất cả phải tự túc lương thực nên hễ tới trạm dừng chân là mỗi người phải trồng hai gốc sắn để những đơn vị hành quân đến sau có lương thực.
Theo mệnh lệnh chú và cả đơn vị di chuyển vào giải phóng Buôn Mê Thuột nên tới ga Vinh là rẽ sang Salavan – Lào rồi tới Kon Tum. Khi tới Kon Tum thì Buôn Mê Thuột đã được giải phóng cả đơn vị lại vòng qua Campuchia lội mất 7 ngày mới qua khỏi một con bương sình lầy, sặc mùi hôi thối mà chú cùng đồng đội ngày ấy gọi vui là “kênh chó ngáp” để tới chi viện cho Bù Đăng, Bù Đốp. Có những đồng đội sốt rét không qua khỏi đã nằm lại trên chặng đường hành quân. Rồi vòng qua núi Bà Đen - Tây Ninh từ đây lại vòng xuống Đức Hòa, Đức Huệ. Trong đơn vị phần lớn ở tuổi 18 – 20, có một số mới 17 tuổi vừa tốt nghiệp cấp ba, thi đậu đại học nhưng tình nguyên ra chiến trường. Đáng nhớ nhất là Tấn. Không để tôi kịp hỏi chú tiếp:
Nó mới 17 bảy tuổi. Mới nửa tiếng trước ngồi nói chuyện nó bảo “giải phóng rồi em về học đại học. Còn anh?”
Thế mà ba mươi phút sau, chú phải tự tay vuốt mắt cho nó khi cùng đơn vị vào giải phóng Long An. Giọng chú đang chùng xuống bỗng vui hẳn lên.
Ngày ấy bọn chú không có khái niệm sợ chết đâu. Không có một sự hy sinh nào khiến chú và cả đơn vị nao núng. Đi là đi. Các chú còn đùa nhau đi nhanh lên còn được cắm cờ trước không đơn vị khác cắm mất. Chả là lúc ấy mỗi đơn vị được phát một lá cờ và giao cho người có trọng trách, đơn vị nào tới trước thì cắm cờ trước. Cắm cờ ở đây là cắm ở Dinh Độc Lập đó cháu.
Vậy là chú có tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam? Tôi hỏi
Ừ. Nhưng đơn vị chú vào tới Củ Chi thì giải phóng rồi. Trung đoàn chú là Trung đoàn 205 cơ động thuộc chiến trường miền Đông Nam bộ nên giải phóng xong còn đi đuổi Phun-rô ở Sông Bé, Hố Nai, Lộc Ninh. Sau đó lên cả trại giam Phước Bình, Trí Hòa nữa.
Vậy là miền Nam giải phóng xong chú chưa về miền Bắc liền ạ? Tôi tò mò tiếp lời
Chưa. Năm 1978 chú mới về phục viên. Nhưng thương nhất là thằng Năm. Hòa bình rồi mà nó vấp phải mìn của giặc rồi hy sinh trong lúc đi phát cỏ. Nói tới đây, đôi mắt chú thoáng buồn nhìn xa xăm. Tôi trộm nghĩ hẳn trong đôi mắt ấy đang sống lại một thời tuổi trẻ hành quân chống Mỹ và hiển hiện hình ảnh những người đồng đội đã nằm lại chiến trường.
Đồng đội của chú người còn, người mất. Rời chiến trường miền Nam, trở về với mảnh đất Ứng Hòa chú tiếp tục xây dựng đất nước tham gia hoạt động phong trào tại địa phương không thiếu mặt trong bất cứ hoạt động nào, nhất là những cuộc vận động thanh niên tình nguyện vào bộ đội. Không trở thành cán bộ cấp cao, không tham gia giữ trọng trách tại địa phương nhưng tôi cảm nhận được ánh mắt rực sáng tự tin về một thời trai trẻ hy sinh là cho đất nước có được nền độc lập như ngày nay luôn niềm tự hào của chú.
Thế hệ chúng tôi, sinh ra khi đất nước đã hòa bình và đang trong thời kỳ phát triển kinh tế. Không cảm nhận được rõ rệt cái khốc liệt của chiến tranh nhưng tôi may mắn có dịp đi và tiếp xúc với nhiều thế hệ cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Suốt chặng đường về, tôi như được sống trong không khí sôi sục những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chú Huỳnh và những đồng đội của chú. Những địa danh Đức Hòa, Đức Huệ, Bù Đăng, Bù Đốp, Củ Chi cứ vang lên trong tâm trí, vẹn nguyên hình ảnh người lính Cụ Hồ.