Ảnh minh họa.
Ngày 22/10/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1236/QĐ-TTg, xác định các bước đi chiến lược nhằm phát triển hạ tầng blockchain, thúc đẩy ứng dụng công nghệ này trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ nhằm đưa đất nước trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực này.
Blockchain được đưa vào Việt Nam từ khoảng năm 2016, khi các ứng dụng ban đầu trong lĩnh vực tiền mã hóa như Bitcoin bắt đầu xuất hiện. Hiện tại, ứng dụng Blockchain đã mở rộng nhanh chóng từ tài chính sang các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, logistics và dịch vụ công cộng.
Ngày 17/5/2022, việc thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt lớn, khi ngành công nghiệp này bắt đầu thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu xây dựng nền tảng Blockchain của riêng mình, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên công nghệ này.
Hiện nay, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng blockchain. Nhiều tổ chức tài chính, các startup công nghệ và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu sử dụng Blockchain để nâng cao hiệu quả hoạt động như trong lĩnh vực tài chính, Blockchain được sử dụng để xây dựng các hệ thống thanh toán phi tập trung, giúp giảm chi phí và tăng tính minh bạch trong các giao dịch.
Chiến lược Quốc gia về ứng dụng và phát triển Blockchain đến năm 2030, đặt mục tiêu Việt Nam sẽ thuộc nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển công nghệ này, với ít nhất 20 thương hiệu Blockchain uy tín trong khu vực. Đồng thời, việc xây dựng tối thiểu 3 trung tâm thử nghiệm Blockchain tại các thành phố lớn sẽ giúp tạo mạng lưới quốc gia, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển
Chính phủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập cơ sở hạ tầng chuỗi khối, đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hệ sinh thái Blockchain tại Việt Nam sẽ được phát triển thông qua việc áp dụng công nghệ này trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, vận tải và dịch vụ công. Điều này hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Blockchain (công nghệ chuỗi khối) là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành các khối khác nhau, đồng thời kết nối chúng lại để tạo thành một chuỗi dài. Trong trường hợp có thêm thông tin mới, chúng sẽ được lưu vào khối mới và được nối vào khối cũ, để tạo thành một chuỗi mới. Nhờ vào đó, thông tin cũ trong công nghệ Blockchain không bị mất đi. Ưu điểm của Blockchain là các thông tin này không chỉ nằm trên một máy chủ duy nhất, mà chúng có thể được sao lưu và phân phối một cách hoàn toàn tự động thông qua nhiều máy chủ khác nhau đã kết nối với hệ thống Blockchain, giúp cho mọi người có thể xem và kiểm tra thông tin giao dịch của mình một cách dễ dàng và an toàn nhất. Điều này giúp doanh nghiệp có thể giảm thiểu các tình trạng như gian lận, giúp đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng và có mức độ an toàn thông tin cao. |
Bảo Minh