Con suối trước mặt nước đục ngầu, chảy cuồn cuộn. Chờ gần ba giờ đồng hồ cho lũ rút bớt chúng tôi mới dám lội qua suối. Để khỏi mặc quần áo ướt, chúng tôi cởi hết quần áo lội qua. Thế là tôi nhận ra vết thương ở hai bên đùi Đại tá Lê Thanh Song. Hỏi chuyện, anh kể:
- Anh đi lại có đau không?
- Thời gian đầu đi lại rất đau và khó khăn lắm. Đơn vị nhiều lần định cho tôi ra Bắc nhưng tôi xin ở lại chiến đấu cùng anh em. Tôi được đơn vị tạo điều kiện bố trí làm trợ lý chính trị trung đoàn, ít phải đi lại nên cũng đỡ…
Đại tá Lê Thanh Song sinh năm 1944 tại Hưng Yên, nhập ngũ năm 1963, đã cùng Sư đoàn 316 tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và đã đạt danh hiệu chiến sĩ Quyết thắng, được dự Đại hội thi đua toàn quân năm 1966 tại Hà Nội. Năm 1967 anh cùng đơn vị hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, đến Đắc Tô thì bị thương.
Chiến dịch Tổng tấn công mùa Xuân năm 1968, đơn vị anh tham gia chiến đấu ở Mỹ Tho, điều kiện vận chuyển đạn gạo phục vụ chiến đấu vô cùng khó khăn. Là chính trị viên đại đội, dù chân đau anh vẫn tham gia đi vận tải cùng đơn vị. Năm 1976 anh được điều về làm cán bộ Ban Chính sách Sư đoàn 5. Từ năm 1977 anh lại cùng đơn vị tham gia chiến đấu trên tuyến biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia. Anh luôn quan tâm tới các chế độ chính sách cho từng cán bộ chiến sĩ, nhất là đối với liệt sỹ và thương binh. Năm 1989, khi Quân tình nguyện được lệnh rút quân về nước, trên cương vị Phó phòng Chính sách Quân khu 7, anh đã đề nghị lãnh đạo Quân khu cùng đơn vị có chủ trương đưa liệt sỹ về nước trước, bộ đội hành quân sau.
Năm 1997 kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, trước tình trạng Quân khu còn hàng chục ngàn liệt sỹ chưa tìm thấy phần mộ, với cương vị Trưởng phòng Chính sách, anh đã đề xuất Đảng ủy Quân khu ra chủ trương: “Về chiến trường xưa tìm đồng đội”. Cũng từ phong trào này mà hàng chục ngàn hài cốt liệt sỹ đã được tìm thấy và đưa về nghĩa trang.
Từ năm 2003, Đại tá Lê Thanh Song nghỉ hưu nhưng bước chân của anh thì không hề ngơi nghỉ. Khi nghe có thông tin về phần mộ liệt sỹ là anh lại khoác ba lô lên đường.
Năm 2012, anh là Trưởng Văn phòng Đại diện của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam tại TP.HCM. Dù không được cấp kinh phí hoạt động, anh vẫn cố gắng thuyết phục hàng trăm cựu chiến binh và các nhà doanh nghiệp tham gia tìm hài cốt liệt sỹ, làm nhà tình nghĩa, khám bệnh miễn phí, tặng quà cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách… Từ đó đến nay anh đã tập hợp được một đội ngũ gần chục cán bộ nhân viên Văn phòng và kết nạp được gần 400 hội viên. Anh đã cùng Trung tâm Thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của Hội quy tập được 253 hài cốt liệt sỹ, thu thập được 8.821 thông tin về các liệt sỹ thất lạc phần mộ, tư vấn cho 1.075 trường hợp, thử kết quả AND 58 trường hợp, tặng 26 căn nhà tình nghĩa, phát trên 200 suất quà, khám bệnh cho trên 5.000 người, tặng 50 máy tính, 20 xe đạp, 150 cặp, 2.000 tập vở cho học sinh….
Là thương binh hạng 3/4, ở tuổi 75, Đại tá Lê Thanh Song vẫn ngược xuôi trên các chiến trường xưa để tìm hài cốt liệt sỹ. Những người mẹ, người vợ liệt sỹ gặp khó khăn bệnh tật vẫn thường được anh đến thăm hỏi, tặng quà.
Nguồn: cuuchienbinhtpHCM.vn