Theo Kế hoạch, để đảm bảo mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt từ 8,5 - 9%/năm theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Phú Yên dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 298.000 tỷ đồng.
Đối với các dự án đầu tư công: Tập trung triển khai thực hiện các dự án đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế tại các vùng động lực phát triển, khu vực trọng điểm phát triển của tỉnh; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các vùng động lực.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê, kè, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công; thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực phát triển, khu vực trọng điểm phát triển của tỉnh.
Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh; Ưu tiên phát triển và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển; mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp hiện có theo hướng sản xuất sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao;
Phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: Luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng; hóa chất; sản xuất sản phẩm điện tử, công nghệ số; đầu tư kinh doanh hạ tầng các Cụm công nghiệp, Khu công nghiệp…
Đồng thời, tỉnh phát triển mạnh mẽ dịch vụ - đô thị, logistics, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, hoạt động khoa học và công nghệ, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có giá trị cao; tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, sự kiện (MICE), nghỉ dưỡng, sinh thái với các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí, thể thao mạo hiểm.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương theo chiều sâu, tạo giá trị gia tăng cao.
Loạt dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Loạt dự án dự kiến ưu tiên đầu tư
Kế hoạch vừa được phê duyệt cũng cho biết loạt dự kiến ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Trong đó, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải gồm: Đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối từ Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến đường địa phương; Tuyến đường cao tốc Phú Yên Đắk Lắk (CT.23); Đầu tư mở rộng các đoạn còn lại của tuyến Quốc lộ 25; Đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 29 đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên; Tuyến đường bộ ven biển; Tuyến đường nối dài từ ĐT.643 đến điểm kết nối với tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên; Đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Cảng hàng không Tuy Hòa; Đầu tư Khu bến Vũng Rô (thuộc Cảng biển Phú Yên); Đầu tư Khu bến Bãi Gốc (thuộc Cảng biển Phú Yên);…
Các dự án thuộc lĩnh vực phát triển đô thị gồm: Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Tuy Hòa để đạt tiêu chí đô thị loại I là thành phố thuộc tỉnh; Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị huyện Tuy An để đạt tiêu chí đô thị loại IV là thị xã thuộc tỉnh; Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị thị xã Sông Cầu để đạt tiêu chí đô thị loại III là thành phố thuộc tỉnh; Dự án khu đô thị mới, khu du lịch trong KKT Nam Phú Yên; Khu đô thị dịch vụ ven biển thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên; Khu đô thị mới phường Phú Lâm và Phú Thạnh; Khu đô thị dịch vụ ven biển Hòa Hiệp Nam;
Các khu đô thị Vịnh Xuân Đài; Các Khu đô thị Đầm Ô Loan; Các khu đô thị thành phố Tuy Hòa; Các khu đô thị phía Nam Đông Hòa; Khu đô thị Hòa Vinh; Khu đô thị Nam Bình (giai đoạn 1); Khu đô thị mới phía Đông Hòa Vinh; Khu đô thị Biển Hồ - Đá Bia; Khu dân cư dọc kè sông Ba.
Các dự án công nghiệp gồm: Hạ tầng kết nối các CCN, các KCN; Dự án Khu liên hợp gang thép; Tổ hợp lọc hóa dầu; Đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, các CCN theo quy hoạch;…
Các dự án thuộc lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Thể dục, thể thao gồm: Thu hút đầu tư khoảng 3-4 sân Golf; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Rạng Đông-Phú Yên; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp vịnh Vũng Rô; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Nưa; Khu công viên chuyên đề kết hợp thương mại-dịch vụ nghỉ dưỡng; Khu du lịch Biển Hồ-Đá Bia; Khu Thương mại-Dịch vụ du lịch Công viên Bầu Hà; Khu du lịch Đá Bàn Hồ Mỹ Lâm; Khu du lịch suối Lanh, Đầm Bầu Đá;…
Ngoài ra còn có các dự án thuộc lĩnh vực điện, thủy lợi, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa - xã hội, thông tin truyền thông, khoa học và Công nghệ,…
Lê Lê