Tình hình trong nước dạo này thế nào? Nhiều người đang ở nước ngoài, chủ yếu là trí thức và du học sinh thường hỏi tôi như vậy.
Ảnh: Zing.vn
Trên thực tế, giới trí thức, du học sinh là những người có điều kiện và khả năng nên áp lực về miếng cơm manh áo không lớn. Song có lẽ nhu cầu “phải có danh gì với núi sông” của họ lại rất lớn.
Một quốc gia muốn phát triển thì phải tạo điều kiện cho những người tinh tú nhất thi thố tài năng và khẳng định giá trị trên chính quê hương mình. Những người đó, họ luôn mong mỏi mọi chuyện sẽ tốt lên và sẵn sàng chung tay cho sự phát triển của đất nước khi thấy việc làm của mình có ý nghĩa.
Tôi đang thấy những tia hy vọng.
Chiến dịch chống tham nhũng và việc lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh đang có những kết quả rất tích cực.
Mỗi việc làm đều có nhiều mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nhìn theo lăng kính tích cực với tinh thần xây dựng, tôi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của những việc đang được tiến hành là để dân giàu, nước mạnh.
Tình trạng tham nhũng và lợi ích nhóm tràn lan làm cho cơ hội thực hiện mục tiêu nêu trên giảm đi rất nhiều. Do vậy, việc người đứng đầu Đảng đưa ra quyết tâm chống tham nhũng là điều dễ hiểu.
Chỉ hơn một năm sau Đại hội XII, một loạt vụ việc nghiêm trọng đã, đang được nêu tên và xử lý với tinh thần nghiêm túc.
Niềm tin về khả năng tham nhũng sẽ bị đẩy lùi đang được củng cố. Và niềm tin của công chúng sẽ được củng cố hơn nữa nếu họ thấy rằng mục tiêu của chống tham nhũng là để làm lành mạnh hệ thống, nhằm đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế có tính bao trùm.
Thứ hai, ở góc độ Chính phủ, trong bối cảnh chịu rất nhiều ràng buộc và giới hạn cộng với tâm lý kém hồ hởi bao trùm, cách tiếp cận hành động của Thủ tướng là rất trúng.
Sau hơn một năm, mọi chuyện đã chuyển biến hết sức tích cực mà nó được thể hiện ở việc tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay đều cán đích; ở sự đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế với sự thăng hạng ngoạn mục của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và dự báo tăng trưởng; và sự sôi động của thị trường chứng khoán.
Có thể mỗi người có những đánh giá ở những góc độ khác nhau, và tính chính xác của số liệu thống kê nước ta vẫn là vấn đề muôn thuở. Tuy nhiên, sự ấm lên của nền kinh tế Việt Nam và những tín hiệu tích cực là khó có thể phủ nhận.
Những kết quả khả quan này được mong đợi sẽ được duy trì với tính bền vững cao. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực và xã hội chỉ phát triển khi mỗi vị trí trong xã hội làm đúng chức năng và bổn phận của mình dựa trên sự CHÍNH TRỰC.
Cụ thể, công chức chọn khẳng định mình bằng những việc làm có lợi cho nước cho dân, doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng việc tạo ra các giá trị cho xã hội, trí thức chấp nhận dấn thân để đưa những ý tưởng và kiến thức của mình vào thực tiễn và sự hỗ trợ có trách nhiệm của các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế.
CHÍNH TRỰC với cách hiểu cụ thể như trên nên được xem là giá trị trung tâm ở Việt Nam trong thời gian tới. Với những gì đang xảy ra thì hy vọng này là có cơ sở.
Tôi cho rằng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện đang giữ “chìa khóa” và có khả năng tạo ra những cải cách cần thiết. Cộng với sự ủng hộ và chung tay của các địa phương, doanh nghiệp và đông đảo trí thức cũng như người dân thì tình hình sẽ được cải thiện rất tích cực.
Việc Tổng bí thư tham dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp cuối năm của Chính phủ với các địa phương đã cho thấy điều này.
Cuối cùng, cần phải nhìn thẳng vào thực tế của tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhân chi sơ vốn bản thiện. Trong sâu thẳm mỗi con người ai cũng muốn bỏ chỗ tối, tìm chỗ sáng. Nếu cơ hội được mở ra, ít ai bỏ lỡ.
Do vậy, câu hỏi đang được quan tâm là cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp diễn như thế nào để đảm bảo mục tiêu “chống để xây” vì cái đích quan trọng nhất: Dân giàu, nước mạnh.
Tôi tin, khi chính trực và tinh thần hướng thiện trở thành nhân tố trung tâm thì những điều tốt đẹp sẽ đến.
Huỳnh Thế Du
Nguồn: baochinhphu.vn