Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh tại Hội thảo đầu kỳ dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA phối hợp tổ chức ngày 21/2 tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết dự án này được thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2021). Tổng kinh phí thực hiện dự án là 3,3 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc là 3 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 0,3 triệu USD. Dự án được giao cho tổ chức KOICA thực hiện và Bộ Xây dựng là Cơ quan chủ quản dự án.
Dự án gồm 5 hợp phần: Đánh giá thực trạng nhà ở xã hội của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp; khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030; xây dựng các chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam cho các nhóm đối tượng mục tiêu là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp thông qua các bài học từ kinh nghiệm quốc tế; đề xuất hoàn thiện Luật Nhà ở hiện hành nhằm thúc đẩy các chính sách nhà ở xã hội được đề xuất trong dự án và Chương trình nâng cao năng lực.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm mục tiêu an sinh xã hội
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết: "Việt Nam có mức độ đô thị hoá nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sống ở khu vực đô thị".
Khi tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, sức ép về nhà ở tăng cao dẫn đến giá nhà đất tại đô thị sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ đối với người dân sinh sống tại đô thị. Bên cạnh đó, số lượng người nghèo đô thị cũng tăng lên và phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở có giá phù hợp với khả năng tài chính của họ.
Để giải quyết vấn đề này, trong những năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, thu nhập thấp tại cả khu vực đô thị và nông thôn, trong đó có Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với các quy định cụ thể về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt, ngày 25/1/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong đó nêu rõ: “Các bộ, ngành và Tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội”; đồng thời, trong Chỉ thị này Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: "Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua nhằm thực hiện chủ trương vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và ổn định thị trường bất động sản đã đạt được một số kết quả nhất định”.
Đến nay cả nước đã hoàn thành bàn giao 198 dự án với 81.700 căn hộ, tương đương với 4.085.000 m2 sàn nhà ở đã góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng là hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp và gia đình chính sách.
Vẫn còn nhiều rào cản phát triển nhà ở xã hội
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng cần phải thẳng thắn nhận thấy phát triển nhà ở xã hội thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.
Đến thời điểm này việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 33% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.
“Mức thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua nhà, đất để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở là một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chỉ rõ.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng nêu ra một loạt nguyên nhân của tình trạng này như: Nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; đó còn là tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội; một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế...
Mặc dù theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Nhưng trên thực tế việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết từ tháng 6/2016, đến nay Ngân hàng Nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chia sẻ về thành tựu và khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội của địa phương mình, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, dù là địa phương đi đầu trong việc phát triển nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách với hơn 10.000 căn hộ đã hoàn thiện và bố trí sử dụng nhưng đến nay, số nhà ở xã hội này lại trở thành gánh nặng với ngân sách Thành phố. Việc thu hồi vốn để thực hiện tái đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội diễn ra chậm.
“Trong điều kiện ngân sách Thành phố còn hạn chế thì việc cân đối ngân sách để phát triển mới các dự án nhà ở xã hội là rất khó khăn”, đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết.
Kinh nghiệm chia sẻ từ Hàn Quốc
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển các dự án nhà ở xã hội tại Hàn Quốc, TS Kim Nam Jung, Viện Nghiên cứu đất đai, hạ tầng Hàn Quốc cho biết, ở Hàn Quốc, hằng năm sẽ tiến hành nhiều loại hình thống kê, khảo sát về nhu cầu của người dân, từ đó đưa ra kế hoạch phát triển bao nhiêu căn hộ, diện tích… nhằm bám sát nhu cầu thực tế. Giai đoạn đầu, vai trò của chính quyền Trung ương là chủ đạo thông qua việc thành lập các công ty chuyên phát triển sản phẩm nhà ở cho thuê (ở Hàn Quốc, nhà ở xã hội để cho thuê chứ không bán như ở nước ta). Giai đoạn sau đó, vai trò của chính quyền địa phương và nhà đầu tư tư nhân sẽ tăng dần.
Cũng theo TS Kim Nam Jung, yếu tố cấp thiết Việt Nam hiện nay là phải có những quy định pháp luật dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội. Cần thu thập thông tin thống kê và nhu cầu của người dân. Vai trò của việc thu thập tư liệu rất quan trọng. Cùng với đó là triển khai các dự án quy mô lớn tại các đô thị trung tâm lớn, thành lập các tổng công ty nhà nước phụ trách nguồn vốn phát triển dự án…Đánh giá về vai trò của việc phát triển nhà ở xã hội trong phát triển kinh tế, TS Kim Nam Jung cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội liên quan đến ngành công nghiệp xây dựng, và do đó, nó có những đóng góp to lớn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này không là ngoại lệ với Việt Nam.
Cùng với việc khởi động dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh bày tỏ mong muốn Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển nhà ở xã hội, đề xuất kiến nghị những cơ chế chính sách phù hợp, khả thi nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Toàn Thắng
Nguồn: chinhphu.vn