(QK7 Online) - Cách đây 70 năm, những chiến sĩ Điện Biên đã viết nên một trang sử hào hùng về chiến thắng "lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu". Phát huy hào khí Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng sáng tạo vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, LLVT Quân khu 7 triển khai nhiều chủ trương, mô hình hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao, đồng thuận ủng hộ. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn ra sức luyện giỏi, rèn nghiêm, nghiên cứu, khai thác làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại góp sức cùng toàn quân, toàn dân viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc.
Kỳ 1: Ký ức Điện Biên
Vất vả, gian nguy, bom đạn của địch ném xuống như rắc trấu, nhiều đồng đội đã hy sinh, nhưng không làm chùn bước chân của những chiến sĩ Điện Biên luôn tiến về phía trước để làm nên chiến thắng hào hùng. 70 năm trôi qua, những người lính năm xưa nay đã ngoài 90 tuổi, dù sức khỏe dần yếu đi, song ở họ vẫn đầy ắp những ký ức không thể nào quên về chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
“Đội quân phó cối” - sáng tạo diệu kỳ của hậu cần chiến trường.
Bước chân ngày nào dẻo dai vượt đèo, lội suối, xốc tới chiến trường Điện Biên năm nào, nay đã đi chậm lại. Mỗi lần gặp mặt, số người càng thưa dần, bởi những thành viên trong Ban liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh đều đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Với các bác, câu chuyện trong buổi hàn huyên là sức khỏe và những ký ức về một thời oanh liệt. Cựu chiến binh Trần Thịnh Tần, nguyên là cán bộ biệt phái của Bộ về làm nhiệm vụ tại Tổng cục Cung cấp tiền phương, năm 1954, khi ấy 20 tuổi, ông đã có mặt tại Điện Biên vừa làm nhiệm vụ hậu cần, đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho bộ đội ngoài trận tuyến, vừa trực tiếp chiến đấu. Tại đây ông chứng kiến sự ra đời của “Đội quân phó cối” - một sáng tạo diệu kỳ của hậu cần chiến trường. Nghệ thuật chiến tranh Nhân dân đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần hóa giải khó khăn thành thuận lợi.
Cựu chiến binh Trần Thịnh Tần (bìa trái) hàn huyên cùng đồng đội (Ảnh: Lê Trầm).
Cựu chiến binh Trần Thịnh Tần cho biết: Chiến dịch được dự tính sẽ dài ngày, vì thế khó khăn đặt ra cho Tổng cục Cung cấp là phải huy động 4.500 tấn gạo, 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường. Với tinh thần tất cả dồn sức cho Điện Biên Phủ, đồng bào Tây Bắc đã đóng góp trên 10.000 tấn thóc nếp và hàng trăm tấn thực phẩm “Đội quân phó cối” cùng hàng trăm chiếc cối xay được làm bằng tre quay suốt ngày đêm, kịp thời cho "ra xưởng" gần 7.500 tấn gạo, chi viện cho tiền tuyến. Ngày đó “Đội quân phó cối” vui như ngày hội dù giữa núi rừng Tây Bắc giá lạnh, ẩn chứa bao hiểm nguy “rừng thiêng, nước độc” chỉ có lòng yêu nước và sự hy sinh hết mình vì tiền tuyến, các chiến sĩ mới có thể làm được điều kỳ diệu như vậy ngay giữa chiến trường ác liệt. Cựu chiến binh Tần bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử ấy.
Nữ Quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Mặc dù đã 92 tuổi nhưng giọng vẫn vang, hào sảng, khỏe khoắn trong bộ quân phục đã ngả màu thời gian, Cựu chiến binh Ngô Thị Thái Nghiêm kể chuyện về những nữ chiến sĩ Quân y trong Chiến dịch Điện Biên phủ. Theo lời bà Nghiêm, ở chiến dịch lúc bấy giờ, lực lượng nữ y sĩ, y tá, dược tá, cứu thương, chuyển thương, cấp dưỡng khá đông, có mặt tại hầu hết các đội điều trị. Riêng nữ chiến sĩ Quân y chiếm gần một phần ba quân số ở các đội điều trị, các nữ chiến sĩ quân y có tuổi đời còn rất trẻ, đều là các sinh viên y khoa những khóa đầu tiên xung phong ra mặt trận.
Cựu chiến binh Ngô Thị Thái Nghiêm (bìa trái) nhớ như in những ngày cứu chữa thương binh trong chiến dịch (Ảnh: Lê Trầm).
Những ngày ở Chiến dịch, thương binh về đội điều trị thường vào lúc 1-2 giờ sáng, trong khi kỷ luật chiến trường là không được để lộ ánh sáng ra ngoài, vì vậy, mỗi khi có thương binh, các chị em đều phải khẩn trương, người thì kiểm tra chọn lọc, người thì nhanh chóng lau rửa vết thương để chuyển vào hầm mổ. Chỉ cần để lộ ánh sáng ra ngoài, pháo của địch sẽ lập tức rót vào hầm. Có những ngày nhiều thương binh, chị em phải cứu chữa suốt ngày đêm. “Những ngày chiến dịch, trực tiếp cứu chữa thương binh, nhiều đồng đội bị thương nặng không qua khỏi, có anh hy sinh, trong túi áo vẫn còn lá thư chưa kịp gửi về cho người vợ nơi hậu phương, giây phút ấy khiến trái tim của chị em như thắt lại”. Bà Nghiêm nghẹn ngào.
Gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng
Những người lính hành quân ra trận luôn phải bảo đảm bí mật, khiêng từng khẩu pháo, miệt mài băng rừng, vượt núi. Hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến mở đường, bắc cầu, khắc phục bom, mìn, đào hầm hào, trận địa pháo làm sở chỉ huy… Đặc biệt, bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm, không quản ngại hy sinh, gian khổ, bộ đội đã đào đường hầm dài hàng trăm mét giữa lòng đồi A1 và bố trí gần 1.000 kg thuốc nổ, đánh sập một phần hệ thống hầm ngầm kiên cố của địch, tạo điều kiện cho quân ta tiến lên giành toàn thắng.
Các cựu chiến binh Điện Biên Phủ kể cho phóng viên nghe về một thời hoa lửa (Ảnh: Lê Trầm)
Có mặt tại Điện Biên cùng đồng đội quyết chiến với kẻ thù năm 18 tuổi, cựu chiến binh Đinh Công Ty, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 12) cho biết: “Là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu và đánh trận mở đầu chiến dịch, trong 56 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã tham gia 20 trận đánh lớn. Nhờ vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, Đại đoàn 312 đã tiêu diệt 17 Đại đội địch, bắt hơn 4.000 tù binh. Tiêu diệt cứ điểm Him Lam tạo nên một niềm tin mãnh liệt, sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta trên khắp mặt trận”.
Niềm vui ngày gặp lại của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ (Ảnh: Lê Trầm).
Những ký ức của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa còn đọng mãi với thời gian, như tiếng chuông lịch sử vang mãi, nhắc nhở các thế hệ hôm nay trân trọng hòa bình, luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, cùng cả nước tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc.
Bạch Thiết