Tối 2-6, tại Khách sạn Shangri-La ở Xin-ga-po đã diễn ra Đối thoại Shangri-la lần thứ 16, với sự tham dự của ít nhất 30 đoàn đại diện cho các quốc gia và tổ chức quốc tế. Trong đó đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Cùng tham dự có Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga. Trung Quốc chỉ cử cấp Trung tướng Phó giám đốc Học viện Quốc phòng dẫn đầu đoàn tham dự.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự đối thoại.
Đối thoại Shangri-La năm nay gồm 5 phiên toàn thể với chủ đề mỗi phiên lần lượt là: Hoa Kỳ và An ninh châu Á-Thái Bình Dương; tôn trọng trật tự khu vực trên cơ sở luật pháp; những thách thức mới trong quản lý khủng hoảng tại châu Á-Thái Bình Dương; những biện pháp thực chất nhằm tránh xung đột trên biển; tìm kiếm những điểm chung trong an ninh khu vực; các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực. Ngoài ra có 4 phiên đồng thời, bao gồm: Những mối nguy hiểm hạt nhân tại châu Á-Thái Bình Dương; những hình thái hợp tác an ninh mới; ứng dụng cho quốc phòng và công nghệ mới; những biện pháp thực chất nhằm tránh xung đột trên biển.
Trong phiên khai mạc tối 2-6, phát biểu dẫn đề, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Man-côm Tơn-bun (Malcom Turnbull) nhấn mạnh, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phải đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng tăng như nguy cơ xung đột do những tranh chấp ở Biển Đông, nạn khủng bố, di dân, tội phạm mạng, biến đổi khí hậu… Đồng thời, khu vực cũng chưa có một cơ chế hiệu quả để có thể trao đổi thẳng về các vấn đề an ninh chung.
Thủ tướng Man-côm Tơn-bun cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng nổi lên và mong muốn phải có một địa vị chiến lược phù hợp với vị thế của mình. Ông cho rằng, muốn vậy, Trung Quốc cần phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với các vấn đề khu vực, như vấn đề Triều Tiên, chứ không nên có các hành động đơn phương, thậm chí là áp đặt, làm ảnh hưởng tới lợi ích của các nước khác, bao gồm trong cả việc xử lý tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Thủ tướng Ô-xtrây-li-a hoan nghênh và đề cao vị thế của ASEAN trong suốt nửa thế kỷ qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế cũng như hợp tác quốc phòng an ninh tại khu vực. Ông cũng kêu gọi các nước: (1) Cam kết thực hiện các nguyên tắc tôn trọng việc bảo đảm hoà bình lâu dài; (2) Hợp tác thông qua các thể chế khu vực vì lợi ích chung; (3) Phản đối xu thế phi toàn cầu hoá bằng các cam kết hội nhập kinh tế sâu rộng hơn; (4) Trân trọng các cơ hội cùng xử lý những điểm yếu của thời kỳ kỹ thuật số.
Ngày 3-6 đã diễn ra các phiên họp chính thức trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 16. Tại Phiên họp đồng thời đặc biệt với chủ đề Những mối nguy hiểm hạt nhân tại châu Á-Thái Bình Dương, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng đã phát biểu chia sẻ ý kiến tại phiên họp, trong đó khẳng định, Việt Nam ủng hộ việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên và cam kết tuân thủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam mong muốn các bên liên quan cần đề ra những giải pháp hiệu quả, cơ bản, lâu dài góp phần trước mắt làm giảm căng thẳng, tránh xảy ra những thảm hoạ tại khu vực. Việt Nam đã trải qua những năm tháng đất nước chia cắt nên rất thấu hiểu nỗi đau của người dân hai miền Triều Tiên. Ông khẳng định hoà bình lâu dài và bền vững tại Bán đảo Triều Tiên chỉ có thể đạt được khi hai miền Triều Tiên thống nhất hoà bình và không ai khác chính người Triều Tiên phải tự mình gánh vác trách nhiệm này.
Tại Phiên đồng thời Mô hình hợp tác an ninh mới, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng phát biểu khẳng định, mô hình hợp tác an ninh tương đối có hiệu quả hiện nay để giải quyết các thách thức an ninh, nhất là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là cơ chế ADMM và ADMM+. Bởi vì chỉ có ADMM+, cơ chế ra đời từ năm 2010 tại Việt Nam, mới có đủ năng lực, khuôn khổ và thành phần tham gia phù hợp để ứng phó với các thách thức an ninh đang nổi lên. Tham gia vào cơ chế hợp tác này, các nước ASEAN cũng như các quốc gia đối tác cần đề cao hợp tác thực tâm, tôn trọng và có trách nhiệm hỗ trợ các cơ chế của ASEAN trong đó ADMM và ADMM+ để ASEAN có thể phát huy được hiệu quả hơn nữa vai trò trung tâm và dẫn dắt của mình.
Tại Phiên đặc biệt đồng thời với chủ đề Các biện pháp thực tế nhằm tránh xung đột trên biển, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng phát biểu cũng như chất vấn các diễn giả tại phiên họp. Ông cho rằng, tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi nhiều về các cơ chế hợp tác cũng như luật pháp quốc tế và cam kết khu vực như UNCLOS 1982, DOC... Theo ông, tình hình trên biển vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát làm suy giảm lòng tin giữa các quốc gia và có lúc làm gia tăng căng thẳng. Vì vậy, cần phải có các biện pháp thiết thực để quản lý và giải quyết có hiệu quả các xung đột trên Biển Đông.
Đối thoại tiếp tục vào ngày 4-6. Bên lề đối thoại cũng diễn ra cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis và trưởng đoàn các nước tham dự Đối thoại Shangri-La lần này.
Nguồn: qdnd.vn