Vay nợ ngân hàng 6.220 tỷ đồng
Công ty CP Thép Pomina (Mã: POM) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 3/2024 khi quá hạn gần 1 tháng so với quy định. Nguyên nhân được đưa ra là một trong các nhà máy gặp sự cố hệ thống server nên dữ liệu nhập chậm, dẫn đến việc thu thập về số liệu bị trễ.
Trong quý 3, Pomina ghi nhận doanh thu hơn 488 tỷ đồng nhưng giá vốn cao hơn doanh thu, chi phí lãi vay cao đột biến khiến doanh nghiệp lỗ hơn 286 tỷ đồng.
Hãng thép có địa chỉ tại Bình Dương này đã lỗ liền mạch từ quý 2/2022 đến nay. Sau 9 tháng, công ty lỗ hơn 791 tỷ đồng. Tính tại ngày 30/9, doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 2.356 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu (còn hơn 508 tỷ đồng).
Tính đến thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Pomina đạt 9.353 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm nay.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng dở dang với hơn 5.700 tỷ đồng, đều nằm ở chi phí xây dựng lò cao và lò EAF (gồm chi phí mua sắm máy móc thiết bị và xây dựng dự án lò cao, lò EAF luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại khu công nghiệp Phú Mỹ, trong kỳ tài chính này chưa kết chuyển thành tài sản).
Hàng tồn kho giảm mạnh xuống còn khoảng 460 tỷ đồng; tiền mặt chỉ còn 16 tỷ đồng.
Thua lỗ kéo dài khiến vốn chủ sở hữu của Pomina bị ăn mòn, trong khi nợ vay ngày càng gia tăng. Tại ngày 30/9, nợ phải trả tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, lên mức 8.844 tỷ đồng.
Tổng giá trị nợ vay là hơn 6.220 tỷ đồng, chủ yếu vay ngắn hạn với 5.500 tỷ đồng, không thay đổi quá lớn sau một quý.
Hiện tại, Pomina đang vay nợ tại một loạt ngân hàng, trong đó có những cái tên lớn như Vietinbank, BIDV, Vietcombank…
Các khoản vay tại Vietinbank được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và cổ phần. Nguồn: BCTC POM
Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM đang là chủ nợ lớn nhất của Pomina với giá trị cho vay 3.306 tỷ đồng, với 2.626 tỷ đồng vay ngắn hạn và 680 tỷ đồng vay dài hạn. Các khoản vay này được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và cổ phần.
Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM với giá trị vay ngắn hạn hơn 1.680 đồng. Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, máy móc, thiết bị...
Khoản vay dài hạn để đầu tư dự án lò cao cũng được tài trợ bởi Vietinbank, tổng số tiền được giải ngân là 1.035 tỷ đồng và tài sản đảm bảo là chính dự án này.
Lý giải về việc thua lỗ, lãnh đạo Pomina cho biết nguyên nhân xuất phát từ chi phí tài chính cao, đặc biệt là chi phí lãi vay. Gánh nặng lãi vay của Pomina diễn ra trong bối cảnh các nhà máy lớn như Pomina 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Pomina 1 (Bình Dương) vẫn ngừng hoạt động.
Để cải thiện tình hình, doanh nghiệp thép này cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư nhằm tái cấu trúc và khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Dùng 2 nhà máy 6.700 tỷ đồng góp vốn với nhà đầu tư
Trước đó, Pomina đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào đầu tháng 3/2024 để thông qua phương án tái cấu trúc công ty.
Lãnh đạo Pomina cho biết, trong bối cảnh khó khăn vừa qua, ban lãnh đạo vẫn quyết liệt để phục vụ 2 mục tiêu chính là lành mạnh hoá tài chính và tối ưu hóa sản xuất. Lò cao sẽ chạy vào cuối năm nay để đón sự hồi phục của ngành bất động sản.
Về phương án tái cấu trúc, nhằm đồng bộ khâu luyện và cán thép để tối ưu hóa năng lượng sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và Pomina 3, cổ đông đã thông qua việc Pomina sẽ cùng với nhà đầu tư mới góp vốn thành lập Công ty CP Pomina Phú Mỹ.
Cụ thể, Pomina Phú Mỹ dự kiến có vốn điều lệ khoảng 2.700-2.800 tỷ đồng và vốn Vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng, được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina.
Nhà sản xuất thép này sẽ góp 35% vốn điều lệ, tương đương 900-1.000 tỷ đồng, bằng toàn bộ giá trị đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Trong khi đó, nhà đầu tư mới sẽ góp 65% vốn còn lại bằng tiền, tương đương 1.800-1.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với mức góp vốn dự kiến của Pomina, giá trị của 2 nhà máy thép trên lại cao hơn rất nhiều.
Theo kết quả định giá tài sản của Công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản hiện vật của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, giá trị của nhà máy Pomina 1 là hơn 336 tỷ đồng và Pomina 3 là 6.358 tỷ đồng.
Còn theo tính toán từ Pomina, tổng giá trị 2 nhà máy trên dao động từ 6.000-6.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp này kỳ vọng thu hồi lại khoảng 5.100-5.800 tỷ đồng sau khi đã trừ phần vốn góp vào Công ty CP Pomina Phú Mỹ.
Pomina cho biết, số tiền thu hồi được sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn tại các ngân hàng và khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp.
Thời gian tới, Pomina sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sáp nhập đơn vị còn lại là Công ty CP Pomina 2 vào Công ty CP Pomina Phú Mỹ để tận dụng ưu thế lò cao và giảm chi phí sản xuất.
Thúy Hà