Tôi biết anh cách nay trên 30 năm. Ấy là những ngày cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia đang diễn ra quyết liệt. Một sáng nọ, có chàng thiếu úy, dáng mảnh mai, mang cặp kính cận thật dày gõ cửa tòa soạn Báo Quân khu 7. Chàng sĩ quan trẻ tự giới thiệu là Hồ Sơn Đài, từ ngoài Bắc vừa được bổ sung về Quân khu và muốn làm cộng tác viên của Báo Quân khu 7.
Anh Mai Bá Thiện, Phó phòng Tuyên huấn trực tiếp phụ trách Báo Quân khu giới thiệu Hồ Sơn Đài với tôi. Chúng tôi quen nhau từ dạo ấy.
Hơn 1/3 thế kỷ qua, Hồ Sơn Đài luôn sát cánh với chúng tôi trong công việc làm báo và cả trong cuộc sống đời thường. Không chỉ là cộng tác viên đặc biệt mà có thời kỳ Hồ Sơn Đài còn trực tiếp làm Phó Thư ký Chi hội nhà báo Quân khu 7.
Sinh ra trên quê hương Quỳnh Lưu (Nghệ An) - đất địa linh sinh nhân kiệt, được đào tạo cơ bản tại khoa sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1973-1977), Hồ Sơn Đài vừa có sự chỉn chu, mực thước của một ông đồ Nghệ, vừa có sự nhạy cảm, thăng hoa của một nghệ sĩ.
Dẫu vậy, với khoảng thời gian không quá dài và cũng không phải ngắn, tôi chủ quan nhận định rằng: dường như Hồ Sơn Đài sinh ra để làm sử nói chung và nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự - chiến tranh cách mạng nói riêng.
Mới đây, nhân dịp vào tuổi lục tuần, Hồ Sơn Đài tặng tôi cuốn sách thứ 60 của anh. Tôi giật mình, dưới con mắt và trong trái tim tôi, anh chàng thiếu úy, vừa bước ra từ khoa sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa và Đại tá, PGS-TS sử học Hồ Sơn Đài hôm nay vẫn thế. Nhưng quả thực, từ việc vượt lên chính mình của Hồ Sơn Đài và sự chưng cất của thời gian, tôi nghĩ chàng thiếu úy ấy đã đổi thay kỳ diệu!
Nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự, đặc biệt lịch sử Quân khu 7 và chiến tranh cách mạng trên đất miền Đông Nam bộ (MĐNB) là sợi chỉ đỏ trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự của Hồ Sơn Đài.
Ba cuốn sách viết riêng, mỗi cuốn có độ dày trên dưới 1.000 trang (Chiến khu ở MĐNB; Cuộc kháng chiến 1945-1975 nhìn từ Nam bộ; Một số vấn đề về chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp ở MĐNB) và 57 cuốn do Hồ Sơn Đài làm chủ biên hoặc viết chung cho thấy sức lao động bền bỉ, sự say mê nghề nghiệp đến tột cùng của một nhà sử học.
Mỗi lần có sách mới, Hồ Sơn Đài thường gửi tặng tôi. Thú thực, tôi không có đủ thời gian để đọc hết tất cả các tác phẩm của anh. Nhưng qua các cuốn đã đọc, tôi ngộ rằng, đằng sau những trang sách, con chữ có vẻ khô khan, chất chồng tư liệu lịch sử ấy là một tâm hồn nghệ sĩ, một trái tim mẫn cảm, nhân hậu và cái nhìn logic của nhà khoa học.
Tập sách mới nhất Hồ Sơn Đài gửi tặng là: Chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Đông Nam bộ (NXB Chính trị quốc gia - 2016). Sách dày 784 trang với nhiều tư liệu quý và đặc biệt cách đặt vấn đề cùng sự phân tích thấu đáo, sắc sảo của tác giả về chiến tranh nhân dân nói chung và chiến tranh nhân dân trong giai đoạn chống thực dân Pháp xâm lược ở MĐNB, nói riêng.
Bên cạnh những cứ liệu lịch sử quý hiếm, đâu đó trên những trang sách, ta cảm nhận các nhận định, đánh giá khách quan, những hệ luận rút ra từ các chuỗi sự kiện lịch sử. Tôi tâm đắc những nhận định của Hồ Sơn Đài về chiến tranh nhân dân ở nước ta nói chung và MĐNB nói riêng. Có thể nói, chiến tranh nhân dân là một “đặc sản” riêng của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Sơn Đài viết: “Trên cơ sở kết hợp đúng đắn học thuyết chiến tranh và quân sự của Mác-Lênin với di sản, truyền thống đấu tranh quân sự của dân tộc, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã đưa chiến tranh nhân dân Việt Nam lên một trình độ mới, đầy đủ và sâu sắc nhất...”.
Bằng các sự kiện lịch sử từ việc xây dựng lực lượng vũ trang MĐNB; xây dựng các chiến khu ở MĐNB; Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến đến Đảng bộ Tân An; lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa; Phong trào công nhân cao su ở Nam bộ... ta thấy nhận định trên về chiến tranh nhân dân của Hồ Sơn Đài là hoàn toàn có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn. Đó là sự kết hợp hài hòa các yếu tố từ phương châm, lực lượng, phương thức... tiến hành chiến tranh đến việc xây dựng thực lực chính trị, tạo ra sức mạnh tổng hợp để: “cả nước một lòng chung sức đánh giặc”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”...
Đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài cho rằng, lịch sử chiến tranh nhân dân với tất cả đặc điểm và sáng tạo phong phú của nó chính là sự biểu hiện một cách sinh động, đồng thời là một thành tố góp phần soi sáng, hoàn thiện đường lối chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự của Đảng, và mặc nhiên tự nó hàm chứa những bài học kinh nghiệm về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Các cuộc kháng chiến đã lùi sâu vào lịch sử, các sự kiện chính trị giờ bụi thời gian đã phủ mờ, nhưng dưới ngòi bút của Hồ Sơn Đài, mọi thứ trở nên sống động, vẫn còn nguyên giá trị, thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Ngoài vai trò là nhà sử học, Hồ Sơn Đài còn là một người làm văn chương thật có duyên. Dẫu số lượng tác phẩm văn chương công bố không nhiều, nhưng các truyện ngắn, bút ký, thơ của Hồ Sơn Đài vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Khác với bút pháp logic, chặt chẽ, trong các tác phẩm khoa học lịch sử, thơ và văn của Hồ Sơn Đài đầy chất lãng mạn, bay bổng, suy ngẫm.
Dọc đường tìm sử liệu chiến tranh, Hồ Sơn Đài gặp đâu đó một nhân vật và anh chia sẻ:
Thôi em giấu làm gì
Người lính ấy đi từ trong ký ức
Phía Suối Râm nửa khoảng trời đỏ rực
Mảnh khăn xanh bối rối hai người
Tôi biết em gìm khóc lúc em cười
Xong trận đánh rừng cây nhòe bảng lảng
Mảnh khăn tuột rơi vào sâu thẳm
Súng giặc ầm oàng, nhức nhối giọt su rơi.
(Hạnh phúc)
Hay:
Thôi nhắc làm chi một thời xưa
Mây chiều lẳng lặng, mây chiều mưa
Xa khơi em đựng trong quầng mắt
Anh níu neo giăng dọc bến bờ.
Chân trời vẫn trẻ như ngày ấy
Anh vẫn căng buồm, vẫn mải mê
Mắt em, dẫu biết không còn biển
Lòng vẫn nôn nao phút cập về.
(Ký ức)
Từ lĩnh vực sử học đến lĩnh vực văn chương, bằng 60 cuốn sách đã xuất bản của anh, tôi nghĩ Đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài là người thợ cày bội thu trên cánh đồng chữ nghĩa!
TPHCM, mùa thu 2016
TRẦN THẾ TUYỂN
(SGGP)