Ngày 28/8/1945, đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Ngày 22/12/1944, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) được thành lập. Lúc này hệ thống tổ chức LLVT cách mạng gồm 3 thứ quân: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - quân chủ lực; các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, châu, huyện và quân địa phương; các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở làng, xã, nhà máy - lực lượng bán vũ trang địa phương. Đến ngày 15/5/1945, Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân.
Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay trong đêm, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng ở Đình Bảng (Bắc Ninh), xác định phát xít Nhật là kẻ thù chính, cụ thể trước mắt, duy nhất của nhân dân Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: Hiệu triệu toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa, các đơn vị Giải phóng quân, du kích quân từ căn cứ địa Việt Bắc đến các chiến khu tổ chức tiến công địch, mở đường cho quần chúng vùng lên giành chính quyền. Điển hình là, từ căn cứ Tân Trào, một đơn vị vũ trang chủ lực tiến về Thái Nguyên, phối hợp với Nhân dân lập chính quyền cách mạng và tiến thẳng về Hà Nội. Tại Lạng Sơn, đơn vị Giải phóng quân cùng Nhân dân đánh đồn Đồng Mỏ, buộc quân Nhật phải xin hàng...
Với khí thế cách mạng sục sôi, ở nhiều địa phương, mặc dù Giải phóng quân chưa đến kịp, nhưng với lực lượng chính trị mạnh mẽ của Nhân dân, có LLVT và bán vũ trang tại chỗ trợ lực, các cấp Đảng bộ và các ủy ban khởi nghĩa đã vận dụng linh hoạt sách lược đấu tranh, đưa khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn. LLVT 3 thứ quân đã trở thành các mũi xung kích, đi đầu tuyên truyền để Nhân dân nhận rõ thời cơ “có một không hai” của cách mạng, thực hiện các phương pháp đấu tranh phù hợp với tình hình, đối tượng. Quá trình vận động, tuyên truyền, LLVT luôn sát cánh cùng quần chúng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa các tổ chức phản động, chống phá cách mạng.
Tiêu biểu cho phương thức này là cuộc nổi dậy của Nhân dân các thành phố: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Đặc biệt, tại Hà Nội, nơi đặt trụ sở của Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và Bộ chỉ huy quân Nhật (với quân số khoảng 10.000 tên), nhưng ta chỉ có 3 chi đội tự vệ chiến đấu. Đảng bộ Hà Nội đã tổ chức các đội tự vệ, xung kích đi đầu, dẫn dắt hàng chục vạn quần chúng Nhân dân mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy, nhanh chóng chiếm các cơ sở của địch. Thắng lợi nhanh gọn ở Hà Nội thúc đẩy nhiều địa phương trên cả nước tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
Bài học về xây dựng và sử dụng LLVT trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được Đảng ta vận dụng chỉ đạo xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong đó, bộ đội chủ lực là nòng cốt hỗ trợ, cùng LLVT và Nhân dân kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; thực hiện tiến công địch rộng khắp ở cả 3 vùng chiến lược; tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ; giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo xây dựng LLVT về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, hiện đại”.