Đánh giá cao sự phát triển đột phá, toàn diện của đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc, Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn CRSC, cũng như các doanh nghiệp đường sắt hàng đầu Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đối tác phía Việt Nam trong phát triển ngành đường sắt đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp với Bộ GTVT, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu tham gia thúc đẩy, triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
Lãnh đạo Tập đoàn CRSC cho biết, cùng với việc tham gia nghiên cứu đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt, cải tạo hệ thống thông tin tín hiệu một số đoạn tuyến trên đường sắt Bắc-Nam, lãnh đạo CRSC khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.
Trước đó, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp, tập đoàn thuộc dòng họ Nghiêm và Trang từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, do ông Nghiêm Giới Hòa dẫn đầu, theo báo Chính phủ.
Ông Nghiêm Giới Hòa là người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn Xây dựng Tô Thương, hai doanh nghiệp nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất toàn cầu, với doanh thu năm 2023 đạt gần 80 tỷ USD.
Tại buổi gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hợp tác trong thời gian qua và những đề xuất hợp tác sắp tới của Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam.
Ông nhấn mạnh rằng việc các doanh nghiệp Trung Quốc thúc đẩy hoạt động đầu tư tại Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, và đóng góp vào sự phát triển chung của cả hai quốc gia.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc, tham gia vào các dự án lớn về hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghiệp và các lĩnh vực khác. Ông mong muốn các tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới, như Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, sẽ tích cực tham gia và đóng góp vào quá trình phát triển hạ tầng của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong đó, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia các dự án lớn như xây dựng cầu Tứ Liên (Hà Nội), cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng, tuyến đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc (Hà Nội), tuyến metro hoặc đường sắt đô thị kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và sân bay Long Thành (Đồng Nai); cũng như các tuyến đường sắt xuyên biên giới (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Quảng Ninh - Hải Phòng)…
Phong Vân