Tiểu khu 119 hiện là khu định cư tập trung của 130 hộ đồng bào DTTS nghèo và người Campuchia sinh sống bằng nghề chài lưới trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Trước khi đến đây, các hộ hoàn cảnh rất khó khăn, sống du cư, không đất sản xuất, không việc làm ổn định. Để người dân yên tâm gắn bó với vùng đất mới, huyện Bù Gia Mập phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Đoàn 778) tích cực vận động nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng nhà tình thương cho các hộ đến định cư. Con đường từ trung tâm huyện đến tiểu khu được nhựa hóa, người dân nơi đây rất phấn khởi. Nhiều tuyến đường trong tiểu khu cũng đã nhựa hóa, bê tông hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện…
Ông Hoàng Thanh Thao, Trưởng thôn Hai Căn cho biết: Đến nay, toàn khu có 127 hộ được hỗ trợ xây nhà ở với diện tích bình quân khoảng 50m2, trị giá từ 60-80 triệu đồng/căn. Người dân ở đây còn được cấp đất sản xuất, hỗ trợ bò sinh sản, giống cây trồng, phân bón và phương tiện sản xuất. Địa phương cũng đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ làm 1.000m đường nhựa, đường bê tông; xây dựng 3 giếng nước sạch phục vụ sinh hoạt, hệ thống đèn đường… Các cấp, ngành còn động viên người dân phát huy tinh thần tự lực, tích cực phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống; thay đổi tư duy, không cầm cố, sang nhượng đất; giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư; bài trừ các hủ tục… Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát cảnh nghèo đói, vươn lên có cuộc sống ổn định.
Trước đây, gia đình chị Thị Dép thuộc diện đặc biệt khó khăn, không đất sản xuất, không việc làm ổn định, nhà ở tạm bợ, được huyện Bù Gia Mập và Đoàn 778 vận động vào khu định cư sinh sống. Không chỉ có nơi ở ổn định, vợ chồng chị còn được Đoàn 778 nhận vào làm công nhân khai thác với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Thị Dép nói: Gia đình không chỉ được tặng nhà tình thương, cấp đất sản xuất, hỗ trợ cây - con giống… mà còn được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Giờ vợ chồng tôi không còn phải lo cái ăn như trước mà yên tâm phát triển kinh tế gia đình và nuôi các con ăn học đầy đủ.
Là chủ một trong 30 hộ người Campuchia có hoàn cảnh khó khăn được vận động về tiểu khu sinh sống, ông Nguyễn Văn Đẹp chia sẻ: Hồi còn ở Campuchia, gia đình sống bằng nghề chài lưới rất vất vả, cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó. Năm 2003, tôi đưa gia đình về Việt Nam sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Tuy đỡ vất vả nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Sinh ra đã phải sống lang thang trên sông nước nên tôi luôn ao ước có được căn nhà làm nơi trú nắng, mưa. được Nhà nước quan tâm tặng nhà, cấp đất sản xuất, hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, vợ chồng tôi rất mừng, chú tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Cũng gắn bó nhiều năm với sông nước ở Campuchia và thấu hiểu nỗi cơ cực khi cả gia đình phải sống chen chúc trên một con thuyền, trôi dạt khắp nơi nên khi được Nhà nước tặng nhà và đất sản xuất, chị Nguyễn Thị Yến Thanh vô cùng xúc động. Chị Thanh cho biết: Từ ngày được hỗ trợ nhà, gia đình không còn sống cảnh lênh đênh sông nước. Hằng ngày, chồng đi làm thuê, còn tôi ở nhà nhận bóc thêm vỏ lụa hạt điều nên cuộc sống cũng tạm ổn, có điều kiện lo cho các con học hành. Tuy nhiên, cả ông Đẹp, chị Thanh và các hộ người Campuchia khác trong khu định cư 119 đều có chung mong muốn là được các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện cấp hộ khẩu thường trú và các loại giấy tờ tùy thân. Vì chỉ có như thế, bà con mới có thể vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, con em có thể xin làm công nhân ở các khu công nghiệp hay tham gia học tập thuận lợi.
“Khu định cư tại Tiểu khu 119 đã và đang mang lại niềm vui, sức sống mới cho người dân nơi đây. Ngoài hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, bà con còn được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cây - con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… nên nhiều hộ đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Trong đó, mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm vì đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện giảm nghèo bền vững” - ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Nghĩa cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn cũng cho hay, mặc dù địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng khu định cư vẫn còn 3 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo và một số vướng mắc liên quan đến việc cấp hộ khẩu cho các hộ người Campuchia. Để đời sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện và những khó khăn còn tồn tại được tháo gỡ, xã tiếp tục phối hợp với Đoàn 778 và các đoàn thể địa phương tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ cây - con giống và hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt; vận động ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng cho tiểu khu khang trang hơn… Địa phương cũng sẽ phối hợp với các cấp, ngành tháo gỡ khó khăn trong việc cấp hộ khẩu cho các hộ người Campuchia, giúp bà con làm giấy tờ tùy thân, tránh ảnh hưởng đến việc đi học của con em và xin việc làm của một số người dân tại các công ty, xí nghiệp.