Sự quan tâm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã
Đồng chí Phạm Minh Mẫn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã cho biết nhận thấy khó khăn về thu nhập và việc làm của lực lượng dân quân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã đã tạo điều kiện để Ban chỉ huy quân sự xã thuê lại của người dân 1.500 mét vuông ruộng nước; anh em dân quân dùng cây tre chẻ thành các thanh dài 1,2m rồi cắm san sát nhau, làm đăng tre bao quanh ruộng để tổ chức nuôi cua.
Khi có ruộng, anh em dân quân tranh thủ thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ đến các cánh đồng lúa ở ấp Cây Xoài bắt cua về thả vào ruộng nuôi, bình quân mỗi lần như vậy cũng bắt được 3- 4 kg cua. Việc làm này vừa không để cua phá hoại lúa của dân, lại vừa có cua để nuôi và nhân giống cho đơn vị.
Đồng chí Trương Duy Khương, chiến sĩ dân quân, Ban CHQS xã chia sẻ, việc nuôi cua ở đây cũng không mấy khó khăn, từ việc tận dụng được nguồn cua thiên nhiên, kinh nghiệm của một số anh em học được từ mô hình nuôi cua ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Thức ăn cho cua cũng rất dễ kiếm như cá nhỏ, ốc bưu vàng, trứng ốc, khoai mì ở các ruộng, ao, vườn gần đơn vị được anh em dân quân tận dụng thời gian đi bắt về làm thức ăn cho cua.
Đồng chí Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã cho biết, sau gần 1 năm tổ chức mô hình nuôi cua của đơn vị, trên diện tích 1.500 mét vuông ruộng và bằng công sức chăm sóc của anh em, đến nay đơn vị có khoảng 300 kg cua. Với giá trên thị trường hiện nay khoảng 100.000 đồng/kg thì đơn vị có khoản thu nhập khá để cải thiện đời sống cho anh em dân quân trong dịp tết Nguyên đán 2018, đồng thời mua sắm một số vận dụng cần thiết phục vụ công tác, huấn luyện của đơn vị.
Mô hình nuôi cua đồng của Ban Chỉ huy quân sự xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chỉ là mới bước đầu, so với việc nuôi gà, trồng rau, nuôi heo… thì nuôi cua dễ dàng hơn. Đây cũng là mô hình hiệu quả để các đơn vị, nhất là đơn vị LLVT có điều kiện ruộng đồng, ao hồ và tận dụng được nhân lực tại chỗ, làm phong phú các loại hình tăng gia sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.