Hình minh họa
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cao tốc 17.000 tỷ đồng đi qua tỉnh Bình Dương
Dự án này là một phần quan trọng của trục cao tốc Bắc - Nam, nối liền các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM, kết nối với các tuyến Vành đai 2, 3 và 4 của TP.HCM, cũng như các tuyến cao tốc khác như Gia Nghĩa - Chơn Thành. Tuyến đường này sẽ góp phần kết nối các cảng biển và sân bay trong khu vực. Phần cao tốc qua địa bàn Bình Dương dài hơn 52km, trong đó, có một đoạn dài 6,5km sẽ giữ nguyên hiện trạng, còn lại 45,6km sẽ được xây dựng mới.
Giai đoạn đầu của dự án sẽ đầu tư xây dựng cao tốc với 4 làn xe, bao gồm cả làn dừng xe khẩn cấp, với tốc độ thiết kế 100km/h. Khi hoàn thiện, đường sẽ có 6 làn xe theo quy hoạch, giữ nguyên tốc độ thiết kế. Trên tuyến có 4 nút giao liên thông, 2 điểm ra vào, 26 công trình cầu, và hệ thống hầm chui dưới cao tốc nhằm bảo đảm lưu thông cho các tuyến đường dân sinh.
Dự án có tổng mức đầu tư 17.408 tỷ đồng, chia thành hai phần chính: giải phóng mặt bằng với diện tích 381,6ha và kinh phí 8.283 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương; phần xây lắp dự án theo hình thức BOT với tổng vốn 8.883 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2024 đến 2027, và thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài khoảng 32 năm 7 tháng.
Hiện tại, tỉnh Bình Dương đang thực hiện các công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có việc cắm cọc, kiểm kê và lập phương án đền bù, tái định cư. Đồng thời, Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng đang thực hiện việc thanh lý cây cao su để nhường chỗ cho dự án. Thủ tướng yêu cầu dự án phải được khởi công vào tháng 11/2024.
Thủ tướng chốt thời điểm hoàn thành sân bay lớn nhất cả nước
Theo CTTĐT Chính phủ, chiều 24/9, trong chương trình công tác tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành. Đây là lần thứ 4 Thủ tướng có mặt kiểm tra, đôn đốc dự án sân bay quốc tế Long Thành trong hơn 2 năm vừa qua, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với công trình này.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án sân bay lớn nhất của nước ta từ trước đến nay, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Vũ Thế Phiệt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đến nay, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án. Chính vì vậy, các gói thầu đang thi công đạt và vượt tiến độ.
Trong đó, dự án thành phần 2 - Đài kiểm soát không lưu đã vượt tiến độ 2 tháng. Đặc biệt, với dự án thành phần 3, nhà ga hành khách đến nay đã đạt hoàn thành 100% phần móng, tiến độ thi công vượt 20 ngày phần thô và 10 ngày tổng thể; đường cất hạ cánh đến nay đã cơ bản hoàn thành phần nền móng, vượt 3 tháng so với tiến độ trong hợp đồng. Thủ tướng nhấn mạnh, với những kết quả đã đạt được, lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào 31/12/2025.
Số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng đang diễn biến ra sao?
Theo đó, trong quý 3/2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 5.151 lô Đất nền giao dịch qua công chứng, với tổng giá trị giao dịch khoảng 4.908 tỷ đồng.
Số lượng giao dịch Đất nền tập trung chủ yếu tại huyện Lâm Hà, huyện Bảo Lâm, huyện Đức Trọng, huyện Di Linh, thành phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt,…
Cũng trong quý 3/2024, trên địa bàn tỉnh có 325 căn nhà ở giao dịch qua công chứng, với tổng giá trị giao dịch khoảng 1.356 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Đà Lạt có 164 căn; huyện Đức Trọng có 121 căn; thành phố Bảo Lộc có 39 căn; huyện Đơn Dương có 1 căn.
Chưa hết, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn có 17 căn hộ chung cư giao dịch qua công chứng, với tổng giá trị giao dịch khoảng 35 tỷ đồng.
Trước đó, thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết trong quý 1/2024, toàn tỉnh ghi nhận có 3.811 lô Đất nền giao dịch thành công. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 925 lô, huyện Đức Trọng với 679 lô, huyện Lâm Hà với 562 lô, huyện Di Linh với 383 lô,…
Đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe cho cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
Theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có chiều dài 77 km, trong đó xây dựng mới 69,7 km với quy mô đầu tư 2 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, giải phóng mặt bằng 4 làn xe, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã giải phóng mặt bằng được 82% với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; thi công đạt trên 12% tổng khối lượng xây lắp toàn tuyến, bảo đảm hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối với các tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển kinh tế của địa phương và vùng, tỉnh Tuyên Quang kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1) đối với đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, đoạn tuyến từ nút giao Quốc lộ 37 đến nút giao Quốc lộ 3B (dài 22 km) sẽ được mở rộng nền, mặt đường lên 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đoạn tuyến còn lại tiếp tục thực hiện theo hồ sơ dự án đã phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, phương án này sẽ giúp tỉnh phát huy ngay một phần hiệu quả đầu tư dự án khi kết nối với Quốc lộ 37 và Quốc lộ 3B với mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn; đồng thời đáp ứng tiến độ thông xe toàn tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang vào cuối năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng An