Ảnh minh hoạ
Đề xuất này nằm trong Dự thảo Nghị quyết về thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao sức hút của thị trường tài chính Việt Nam.
Theo nội dung dự thảo, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc, đầu tư, kinh doanh tại trung tâm tài chính sẽ được phép sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong khu vực này. Quyền sở hữu có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức như mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế từ chủ đầu tư dự án hoặc từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu BĐS trong dự án.
Quyền và nghĩa vụ của người sở hữu nhà sẽ được xác định theo quy định pháp luật về đất đai, phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất của dự án đầu tư xây dựng BĐS. Đồng thời, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để vay vốn. Trong trường hợp thế chấp tại ngân hàng nước ngoài, nếu xảy ra tranh chấp, việc xử lý sẽ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Trước đề xuất này, Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại về khả năng người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam cũng có thể mua và đầu cơ BĐS, dẫn đến giá nhà đất bị đẩy lên cao. Điều này có thể gây bất lợi cho những người làm việc tại trung tâm tài chính trong việc thuê, mua nhà, làm giảm sức cạnh tranh về chi phí và thu hút lao động.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị cần rà soát các quy định về đất đai trong trung tâm tài chính, đặc biệt là về thời hạn sử dụng đất và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, để đảm bảo tính phù hợp với pháp luật hiện hành.
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh rằng nhiều trung tâm tài chính lớn trên thế giới như Dubai, Astana, Abu Dhabi hay Singapore đều có chính sách cởi mở về sở hữu BĐS cho người nước ngoài. Việc Việt Nam áp dụng chính sách tương tự sẽ giúp thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển trung tâm tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong dự thảo, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất thời hạn sử dụng đất đối với lĩnh vực ưu tiên tối đa 70 năm, các lĩnh vực khác không quá 50 năm. Các dự án quy mô lớn có thể được gia hạn nhiều lần nhưng không quá 70 năm mỗi lần.
Nếu được thông qua, chính sách này sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính, thu hút nhà đầu tư quốc tế và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Tuy nhiên, cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng đầu cơ, gây tác động tiêu cực đến thị trường nhà ở trong nước.
Tâm An