- Tôi xin thề sẽ trung thành với quy tắc danh dự, phải liêm khiết sau khi hành nghề thầy thuốc.
- Tôi sẽ săn sóc miễn phí cho những người nghèo, không bao giờ đòi hỏi một sự thù lao quá đáng so với sức đã bỏ ra.
- Tôi sẽ không lợi dụng địa vị của mình để làm đối phương bại tục. Một lòng tôn trọng biết ơn các thầy, tôi sẽ truyền bá cho các con cháu theo nghề y những lời giáo huấn mà tôi đã lĩnh hội được. Nếu tôi thất hứa, sẽ mang mối ô danh và cam chịu sự khinh bỉ của các bạn đồng nghiệp.
Là người thầy thuốc, song ông đã công khai ghi chép lại cả những bệnh mà mình không chữa được, hoặc do sơ suất đề người bệnh qua đời, lấy đó làm bài học cho mình và cho những người cùng nghề. Trong Tiểu dân y âm án, ông đã viết: Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống, chết trong tay mình nắm, phúc họa trong tay mình giữ. Vậy thì làm sao kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý này”.
Chính Hải Thượng-Lãn Ông đã nhiều lần từ chối lời mời của những người quyền quý để đi chữa bệnh cho những người nghèo mà tính mạng nguy cấp hơn. Nhiều lần, không những tận tâm chữa bệnh, ông còn cho cả gạo, tiền những người nghèo khổ. Trong cuốn sách “Hải Thượng-Lãn Ông y tông tâm tĩnh” của mình, ông đã viết: “Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi khám bệnh, đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà nghèo khó mà đi sau. Bắt mạch cho đàn bà, con gái, phải bảo một người đứng bên để tránh sự nghi kỵ. Đã là người làm thuốc, phải để ý giúp người, không nên vắng nhà luôn, nhất là đi chơi; chữa bệnh cho người nghèo, kẻ cô độc, càng phải lưu ý, nhất là những người con hiếu, vợ hiền, nhà nghèo, bệnh trọng thì ngoài việc cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm về kinh tế nếu họ không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tự xử, vì làm thuốc là thuật thanh cao nên người thầy thuốc cũng phải có tiết thanh cao. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc thân nhân người bệnh ốm nặng, hoặc lúc nguy cấp về đêm tối mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được hay đối với người giàu sang, quyền quý thì ân cần để mưu lợi, với người nghèo túng thì lạnh nhạt, coi thường, như thế là bất lương, coi nghề làm thuốc cũng như nghề buôn bán là không được…”.
Thiết nghĩ, những lời dạy sâu sắc của Hải Thượng-Lãn Ông, cũng chính là một phần quan trọng về y đức của người thầy thuốc trong mọi thời đại, mọi chế độ. Đó chính là lời thề “Hypocrát Việt Nam”. Ở nước Việt Nam hiện nay có nhiều tên tuổi những thầy thuốc nổi tiếng, tiêu biểu như các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ: Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Hưởng, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Xuân Hợp, Trần Hữu Tước... và hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ nổi tiếng, tiêu biểu khác. Họ không chỉ giỏi về nghề thuốc mà còn là những tấm gương tiêu biểu về lương tâm, về nhân cách, về sự hy sinh của cuộc đời mình cho Nhân dân, cho dân tộc. Những đức tính mà các nghề khác cần đến, thì lại chưa đủ với người thầy thuốc… Có lẽ vì vậy mà chỉ riêng thầy thuốc được Bác Hồ ví như “Người mẹ hiền”.