Hôm nay về lại chiến khu xưa, nhiều người thật khó nhận ra mảnh đất một thời hoang tàn vì bom cày, đạn xới của chiến tranh nay đã thay da, đổi thịt và ngày càng phát triển.
Hồ Dầu Tiếng, công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Đông Nam Á được bàn tay con người tạo nên như một viên ngọc xanh có sơn thủy hữu tình với hệ thống Kênh chính Đông, Kênh chính Tây ngày đêm cần mẫn mang dòng nước ngọt lành làm hồi sinh đất, làm mát lòng người Dương Minh Châu và sẽ là nguồn tiềm năng lớn mạnh kết hợp phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.
Do lợi thế nguồn nước hồ Dầu Tiếng, nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái, các địa phương với sản lượng gần 6000 tấn mỗi năm, đem lại nguồn thu ổn định cho người sản xuất. Người nông dân được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, được hướng dẫn về cung cách làm ăn, về cây, con giống mới, áp dụng công nghệ sinh học, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, chăn nuôi. Người nông dân đã biết làm giàu ngay từ mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Nhiều chủ trang trại có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhà cửa khang trang, to đẹp mọc lên ngày càng nhiều.
Nhằm đánh thức tiềm năng, nhất là tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực còn khá dồi dào, công tác mời gọi đầu tư, thực hiện các dự án được huyện đẩy mạnh dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Huyện tạo điều kiện để các nhà đầu tư có quỹ đất sạch thực hiện các dự án trên địa bàn như: Dự án Khu du lịch sinh thái Đảo Nhím, dự án Điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, 2 được khởi công và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019. Đây là cụm nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, công suất lắp đặt 420 MW. Cụm nhà máy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia với tổng công suất 2.000 MW. Góp phần đưa Tây Ninh trở thành một trong những “thủ phủ” về điện mặt trời của cả nước, bổ sung nguồn năng lượng sạch, bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Toàn bộ hệ thống giao thông từ huyện đến các xã, liên xã đã thông thương, nhựa hóa hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài huyện. Mạng lưới điện được mở rộng về tận những vùng nông thôn, xa xôi, hẻo lánh nhất. Huyện có 6/10 xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện có 20 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 100% xã, thị trấn có trạm y tế được xây dựng kiên cố theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, có từ 1 đến 2 bác sĩ và được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ nhiều năm nay.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân thì huyện Dương Minh Châu luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Nếu năm 1975, cả huyện chỉ có gần 200 đảng viên thì nay, Đảng bộ Dương Minh Châu có 51 chi, Đảng bộ cơ sở với tổng số trên 3.000 đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lịch sử truyền thống hơn 70 năm xây dựng hình thành, chiến đấu và phát triển của huyện Dương Minh Châu đã trở thành tài sản quý giá không chỉ là vật chất mà còn là tài sản của trí tuệ, của sự kiên trung chiến đấu và chiến thắng những khó khăn, gian khổ để tạo dựng được một Dương Minh Châu tươi đẹp như hôm nay.