Ảnh minh họa
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành và huyện Bình Sơn đã cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra phương án giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung theo đề nghị của Thanh tra tỉnh.
Liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phát Đạt - Dung Quất 2, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã nhận các văn bản tham gia ý kiến của các cơ quan, đơn vị và cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối với một số nội dung cần làm rõ, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã phối hợp với nhà đầu tư cập nhật, bổ sung trong nội dung dự thảo theo đúng quy định.
Tại cuộc họp, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Thanh tra tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá nguyên nhân, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, phối hợp với các Sở, ngành và huyện Bình Sơn giải quyết những đề xuất của nhà đầu tư liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phát Đạt - Dung Quất 2, đảm bảo tiến độ hoàn thiện dự án để sớm đưa vào khai thác sử dụng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách có quy mô, tính lan tỏa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi thông báo phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác.
Theo thông báo nói trên, dự kiến danh mục các dự án đầu tư ngoài ngân sách có quy mô, tính lan tỏa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gồm có 16 dự án.
16 dự án nói trên gồm: Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất quy mô 36.397 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất quy mô 86.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 quy mô 85.000 tỷ đồng của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất; NM bột – giấy VNT 19 (giai đoạn 1) quy mô 9.891 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT 19;
Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I quy mô 18.663 tỷ đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam; Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III quy mô 17.538 tỷ đồng của Tập đoàn điện lực Việt Nam; Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (giai đoạn 1) quy mô 2.025 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt; Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng quy mô 199 tỷ đồng của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nam Quảng Nam;
Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi quy mô 2.937 tỷ đồng của Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP II (giai đoạn 1) quy mô 3.737 tỷ đồng của Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi; Khu đô thị sinh thái Coastal Quảng Ngãi quy mô 7.106 tỷ đồng;
Dự án Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất – Phía Nam quy mô 18.662 tỷ đồng của Công ty TNHH Lan Anh – Phú Quốc và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định theo quy định); Dự án Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất – Phía Bắc quy mô 18.953 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Mặt Trời và Công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định theo quy định);
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phát Đạt – Dung Quất 2 quy mô 4.065 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định theo quy định); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi của Công ty Cổ phần KCN Gilimex Quảng Ngãi và Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định theo quy định); Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất quy mô 2.250 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi và Công ty Cổ phần Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa.
Lê Lê